Tiền tỷ kho bạc “ứ” tại ngân hàng: Bao giờ hết vòng luẩn quẩn?
Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm chưa được như kỳ vọng khiến tiền huy động về không ra khỏi kho bạc được. Điệp khúc “ứ” tiền kho bạc tại ngân hàng hơn một năm trở lại đây cho thấy sự “luẩn quẩn” trong phát hành trái phiếu. Điều này, nếu cứ kéo dài vô hình trung đang gây tốn kém cho ngân sách khi trả lãi khoản tiền huy động xong “ngâm” để đó. Vì sao vậy, làm gì để chấm dứt sự lãng phí này?
Tiền lòng vòng đi ra khỏi ngân hàng vào kho bạc rồi lại quay về gửi chính các nhà băng.
Tiền hết đi ra, lại đi vào
Bản tin cập nhật thị trường tiền tệ hết quý 1/2019 của Công ty Chứng khoán SSI cung cấp một thông tin đáng chú ý: Đến hết ngày 31/3/2019, số tiền Kho bạc Nhà nước vẫn “ứ” đọng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) khi lượng trái phiếu kho bạc (TPKB) phát hành mới Q1/2019 là 69.469 tỷ đồng. Cùng đó, cập nhật số liệu về lượng vốn đầu tư công được giải ngân cho thấy, cùng hết thời điểm này, có khoảng 49.800 tỷ đồng được giải ngân.
Làm phép tính trừ cơ học, chỉ riêng số tiền TPKB quý 1 “gọi” thầu sau khi giải ngân, vẫn còn “dôi” ra 19.669 tỷ đồng. Trong khi đó, cập nhật một số liệu khác cũng của SSI cho hay: Đến cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng. Nếu cộng cả số “dôi” trên, tức là tiền vốn KBNN đang gửi 3 ngân hàng thương mại trên đã lên tới 235.669 tỷ đồng. Nhưng như thế vẫn chưa đầy đủ. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, số tiền KBNN thực tế gửi tại các NHTM hiện cao hơn nhiều, “Hết quý I/2019, số tiền gửi phải xấp xỉ 400 ngàn tỷ đồng”- nguồn tin đáng tin cậy cho hay.
Trái phiếu kho bạc là một trong những loại trái phiếu chính phủ và là công cụ vay nợ ngắn hạn do KBNN phát hành. Loại trái phiếu này được phát hành để huy động tiền nhàn rỗi trên thị trường, bù đắp thâm hụt tạm thời ngân sách nhà nước... Các nhà đầu tư Chính phủ sử dụng trái phiếu kho bạc để điều tiết cơ sở thanh toán của hệ thống ngân hàng, mục đích chính là kiểm soát tiền tệ.
Báo cáo của KBNN cho thấy, đến ngày 31/1/2019, vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2018 giải ngân ước đạt 342.177 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, chưa được như kỳ vọng khiến KBNN phải tiếp tục đem tiền chưa tiêu được gửi ngân hàng. Nhưng trên thực tế, kể từ ngày gọi thầu phát hành, số tiền thu về này đã được tính lãi, và khoản tiền lãi này sẽ tiếp tục được cộng dồn sau đó tính vào trong phần nợ quốc gia.
Không nên đấu thầu “sẵn”?
Lí do “bất khả kháng” dẫn đến tiền bị “ứ”, phải gửi ngân hàng vẫn luôn được đưa ra là: tốc độ giải ngân đầu tư công “rùa bò”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng nhắc nhở việc giải ngân chậm, đặc biệt là ở một số bộ, ngành và yêu cầu các bộ có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Ngay sau đó, phiên họp báo thường kỳ (ngày 5/4), Bộ Tài chính cũng cung cấp thông tin cho thấy: Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn quý I vẫn chỉ đạt khoảng 11% dự toán. Có 4 bộ, ngành và 21 địa phương có số giải ngân đạt hơn 20%, có 27 bộ, ngành và 1 địa phương gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%), như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Năm 2018, KBNN ban đầu đề ra kế hoạch huy động 200.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), sau đó giảm xuống còn 175.000 tỷ đồng, kết quả huy động thực tế được 165.797 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019 khối lượng TPCP sẽ huy động qua kênh đấu thầu khoảng 260.000 tỷ đồng; kì hạn phát hành bình quân dự kiến khoảng 13 năm. KBNN sẽ duy trì lịch biểu phát hành hàng tuần, gọi thầu đan xen các loại kì hạn ngắn, trung và dài hạn.
Kế hoạch là vậy nhưng liệu có nên cứ phát hành cho xong? Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, với việc tiền “ứ” tại ngân hàng thương mại như kể trên, đã đến lúc cả Bộ Tài chính và NHNN cần “ngồi lại” xem xét xử lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Điều cần làm là sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu năm để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Còn Tiến sỹ kinh tế Phan Minh Ngọc từng nhận xét: “Việc KBNN huy động vốn xong lại gửi vào ngân hàng hưởng lãi cũng tương tự như một con rắn tự ăn đuôi mình”.
Theo các chuyên gia, mục đích huy động vốn qua phát hành trái phiếu là để chi tiêu công chứ không phải huy động xong để đó gửi tiết kiệm ở ngân hàng. |
"Ngân hàng Nhà nước mua ròng hơn 6 tỷ USD trong quý 1/2019; tiền kho bạc đang ứ tại ngân hàng thương mại vì chậm giải...