Tiền mới khan hiếm, đổi tiền mệnh giá nhỏ khó khăn
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ, nên dịp sát Tết này, hoạt động đổi tiền để lì xì khó khăn hơn, giá cả cũng đắt đỏ hơn.
Cứ mỗi dịp gần đến Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại trở nên nhộn nhịp với đủ loại mệnh giá. Trên Facebook, Zalo, thậm chí TikTok, chỉ cần gõ từ khoá “đổi tiền mới”, "đổi tiền lẻ" là ra cả nghìn kết quả.
Nhiều hội, nhóm đổi tiền lẻ, đổi tiền mới trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Trúc
Tiền mệnh giá nhỏ trở nên đắt đỏ
Trao đổi trên các trang công khai những ngày này cho thấy phí đổi tiền mới, mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao. Tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng phải trả phí 10%; 10.000 đồng phí 8%; 20.000 đồng phí 15%; 50.000 đồng phí 7%; 100.000 đồng phí 4%; 200.000 đồng phí 3%.
Riêng với mệnh giá nhỏ hẳn là 500 đồng và 1.000 đồng, phí sẽ thay đổi tùy vào số lượng. Như hôm nay, phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng là 300.000 - 400.000 đồng cho 100 tờ; tiền mệnh giá 1.000 đồng có phí 20%.
Không chỉ đổi tiền mới, trên các diễn đàn còn xuất hiện cả dịch vụ đổi tiền số seri đẹp... để mừng tuổi ngày Tết. Hết các quảng cáo đều nhấn mạnh vào yếu tố "càng gần tết phí càng tăng".
Một bài đăng đổi tiền trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Trúc
So với dịp này năm ngoái, có thể thấy, mức phí đổi tiền năm nay tăng 3%-15%, trong đó phí đổi tiền mới mệnh giá 20.000 đồng là tăng mạnh nhất, 13%-15%.
Điều này được một số đầu mối đổi tiền giải thích là do lượng tiền mới còn rất ít. "Tiền mới khan lắm. Tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng hầu như tàng hình", người này cho hay.
Ngay trong các ngân hàng thương mại, vốn là nơi dễ tiếp cận nguồn tiền mới, thì tình hình cũng không sáng sủa. Anh Sơn, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội cho hay, bản thân mình cũng chỉ được đổi được một ít tiền lẻ, phục vụ nhu cầu cá nhân, chứ không giúp gì được người thân, bạn bè.
"Tiền mới dịp này chỉ có loại mệnh giá lớn như 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng. Tiền mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng thì số lượng không nhiều" - anh Sơn chia sẻ với PLOn.
Khan hiếm tiền mới, mệnh giá nhỏ đã dẫn tới tình trạng gian lận trên thị trường chợ đen. Chị Minh Châu ở phố Kim Mã kể vừa lên mạng xã hội đổi cọc tiền loại 1.000 đồng để đi lễ đầu năm. Nghe người bên kia chào mời tiền mới 100%, seri liền mạch, chị chấp nhận phí cao. Nhưng tới khi nhận "hàng" thì cọc tiền “độn” rất nhiều tiền cũ.
Tiền mới khan hiếm, phí đổi tiền năm nay tăng từ 3-15%, tuỳ mệnh giá. Ảnh: Ngọc Diệp
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ
Các diễn biến thị trường chợ đen này phản ánh sự tác động về mặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Như dịp Tết Nguyên đán năm nay, cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia vẫn tiếp tục hạn chế phát hành tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới. Chủ trương này đã được triển khai gần 10 năm qua, nhất là với loại tiền mệnh giá dưới 10.000 đồng.
Mới đây, NHNN có văn bản nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó...
Sở Giao dịch NHNN cũng được yêu cầu tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định chỉ NHNN, Chi nhánh NHNN, Sở giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật, có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân, 40-80 triệu đồng đối với tổ chức.
Nhu cầu đổi tiền lẻ mới để lì xì dịp Tết tăng cao nhưng năm nay, tiền lẻ mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng ngày càng ít.
Nguồn: [Link nguồn]