Thưởng Tết 2022: Nơi cố giữ, nơi không hy vọng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tết lại sắp tới, thời điểm này ở những năm chưa xảy ra dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) đã bắt đầu rục rịch tính tới thưởng Tết. Dù vậy, một số lĩnh vực DN có thể thưởng cao nhờ hoạt động tốt bất chấp dịch bệnh.

Với NLĐ tại nhiều DN, thời điểm này có việc làm và được trả đủ lương đã là may mắn. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Với NLĐ tại nhiều DN, thời điểm này có việc làm và được trả đủ lương đã là may mắn. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Chia sẻ với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long nhìn nhận, năm 2021 dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của DN nhưng với lĩnh vực dệt may, các đơn hàng không thiếu, chỉ thiếu người. Riêng May 10, thu nhập bình quân NLĐ năm nay tăng khoảng 9% so với năm 2020 để hỗ trợ thêm NLĐ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Doanh thu năm nay có tăng hơn năm trước, lợi nhuận khoảng 80 tỷ đồng, tương đương năm vừa qua. Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng do DN phải thêm chi phí phòng chống dịch… Năm nay, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết bằng năm trước, khoảng 1,5 tháng lương”, ông Long nói. Ông Long kỳ vọng trong năm 2022 hoạt động sản xuất sẽ tăng trưởng khoảng 30% so với năm nay.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngân sách nhà nước đã chi gần 5.558 tỷ đồng chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, NLĐ khó khăn. Ủy ban MTTQ các cấp, quỹ vì người nghèo, các nguồn vận động khác đã huy động khoảng 1.645 tỷ đồng chăm lo Tết cho người dân...

Trong khi đó, khối DN vận tải khách, sắp hết năm vẫn chưa khôi phục hoạt động lại trạng thái bình thường. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, sau 3 tháng dừng hoạt động, từ cuối tháng 10 tới nay mới được hoạt động tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh còn khó khăn hơn. Vừa hoạt động lại, giá xăng dầu lại tăng cao, gần như lái xe taxi chỉ lấy công làm lãi. “Như mọi năm, thời điểm này các DN đã tính tới thưởng Tết, nhưng nay chỉ lo có việc làm cho NLĐ để có thu nhập đã là may mắn…”, ông Hùng nói.

Về thưởng Tết sắp tới, chuyên gia lao động Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, tổng quan việc làm và thu nhập của NLĐ sụt giảm so với năm trước do ảnh hưởng dịch COVID-19. Do đó, tổng thể tình hình thưởng Tết sẽ giảm, nhưng các DN còn hoạt động sẽ có các khoản hỗ trợ, thưởng để động viên và giữ chân NLĐ sau 1 năm vất vả. Các lĩnh vực vẫn khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách...

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh, như tài chính ngân hàng, chứng khoán, ô tô, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... những lĩnh vực này lương, thưởng sẽ khả quan.

Trên 4,7 triệu lao động mất việc làm

Chia sẻ tại tọa đàm về lao động, việc làm vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho hay, trong quý 3 vừa qua, cả nước có 4,7 triệu NLĐ bị mất việc làm; 14,7 triệu người tạm nghỉ việc; trên 10 triệu NLĐ giảm giờ làm hoặc tạm dừng việc. Cùng với đó, tiền lương và thu nhập của NLĐ giảm, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 1,3 triệu NLĐ thất nghiệp (tăng hơn 126 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); thu nhập bình quân NLĐ gần 6 triệu đồng/người/tháng...

Để chăm lo cuộc sống NLĐ, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, cơ quan này vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Dự kiến, nguồn tài chính công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, NLĐ (mức 300 nghìn đồng/người). Các cấp công đoàn cũng được yêu cầu chủ động kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch COVID-19, người không có điều kiện về quê đón Tết; hỗ trợ vé tàu xe, phương tiện cho NLĐ về quê...

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần chủ động tham gia kiểm tra, giám sát DN thực hiện lương, thưởng Tết, đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Trước đó, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tổng hợp từ các địa phương của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có gần 63.000 DN có báo cáo về lương, thưởng Tết (chỉ 50% có thưởng Tết). Với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân 2,3 triệu đồng/người, thưởng cao nhất 990 triệu đồng của DN tài chính ở TPHCM.

Với dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mức thưởng bình quân 6,3 triệu đồng/người (tương đương 1 tháng lương, giảm 5% so với Tết trước đó)...

“Toát mồ hôi” với biến động chóng mặt của giá vàng

Từ đầu năm 2021 tới nay, giá vàng đã nhiều lần lên đỉnh cũng như dò đáy khiến nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN