Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh Triều Tiên có thể phát triển mạnh mẽ nếu như phi hạt nhân hoá và Mỹ sẽ ủng hộ Triều Tiên. Với mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Triều Tiên, Việt Nam sẽ có cơ hội trung gian đầu tư khi nền kinh tế Triều Tiên mở cửa và Mỹ - Triều bình thường hóa quan hệ.

Tối qua 27.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau tại khách sạn Metropole, Hà Nội trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2. 

Hội nghị lần hai có thể thành công hơn 

Chia sẻ quan điểm của mình về lần gặp gỡ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, ông và ông Kim Jong Un có "mối quan hệ tuyệt vời" và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ rất thành công, thậm chí có thể thành công hơn hội nghị lần đầu tại Singapore.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho  biết, ông sẽ "không lùi bước trong vấn đề phi hạt nhân hóa" và cho biết "Chúng ta hãy chờ xem" khi được hỏi về khả năng Mỹ sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh với Triều Tiên.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tiến vào bắt tay nhau - Ảnh: Reuters.

"Thật vinh hạnh được ở đây cùng với Chủ tịch Kim Jong Un. Thật vinh dự khi chúng ta cùng nhau ở Việt Nam. Triều Tiên là quốc gia có tiềm năng kinh tế to lớn. Bình Nhưỡng sẽ có thể phát triển mạnh mẽ dưới sự “chèo lái” của một nhà lãnh đạo tuyệt vời như Chủ tịch Kim Jong Un và bày tỏ thiện chí hỗ trợ Triều Tiên", Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cũng vui mừng và tin tưởng vào cuộc gặp gỡ lần này với ông Donald Trump.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam - 2

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên tối 27.2 - Ảnh: Reuters.

Ông Kim Jong Un nói: "Chúng ta đã có thể vượt qua tất cả mọi trở ngại và có mặt ở đây ngày hôm nay. Thật tuyệt vời được gặp lại ông, chúng ta đã có một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên rất thành công. Một số người muốn chứng kiến mọi thứ diễn ra nhanh hơn, nhưng tôi rất vui với những gì chúng ta đang làm".

Ông Kim Jong Un cho rằng, cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này của ông với ông Trump có được là nhờ "quyết định chính trị can đảm" của Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết đã có "nhiều suy tư, nỗ lực và kiên nhẫn" trong thời gian kể từ tháng 6 năm ngoái khi hai ông có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam - 3

Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Mỹ trên bàn tiệc - Ảnh: Reuters.

Theo ông Kim "thế giới bên ngoài" đã hiểu chưa đúng về quan hệ Mỹ - Triều trong thời gian sau thượng đỉnh Singapore, đồng thời bày tỏ hy vọng thượng đỉnh Hà Nội sẽ "mang tới kết quả mà tất cả mọi người cùng hoan nghênh".

Hôm nay (28.2), ông Donald Trump và ông Kim Jong Un sẽ có một loạt cuộc gặp song phương.

Việt Nam xây dựng cơ chế để “đón đầu” cơ hội phát triển kinh tế

Với những triển vọng tốt đẹp của hai nền kinh tế Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam, nước chủ nhà nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ có lợi ích gì? Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Quốc Khánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng lợi ích chính trị và kinh tế là 2 yếu tố không thể tách rời.

Đối với Việt Nam, tác động đến kinh tế của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là không nhiều. Thế nhưng, nếu nhìn về dài hạn, việc tổ chức hội nghị này sẽ có hai ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, trong kinh tế hiện tại, Việt Nam đã tạo được niềm tin cho cả Mỹ và Triều Tiên. Trong khi đó, chúng ta đang có niềm tin với cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam - 4

Thứ 2, trong kinh doanh hiện đại, giá trị lớn thứ 2 sau niềm tin là thông tin. Với vai trò nước chủ nhà nơi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều diễn ra, Việt Nam có cơ hội nắm bắt được thông tin của cả 2 bên Mỹ - Triều và hiểu hơn về hai quốc gia này.

“Có niềm tin và thông tin, cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam trong dài hạn là không nhỏ. Đặc biệt, với những kỳ vọng về kết quả của cuộc gặp gỡ lần này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, Triều Tiên sẽ có những bước đổi mới về kinh tế. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp cận đầu tư hoặc trung gian đầu tư vào Triều Tiên”, ông Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khánh, việc Việt Nam đầu tư rất nhiều tiền cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng là để giải quyết việc này. "Chỉ cần Mỹ và Triều Tiên bình thường hóa quan hệ, là quốc gia tham vấn và có mối quan hệ tốt với cả 2 bên thì cơ hội kinh tế sẽ là yếu tố lớn nhất mà Việt Nam nhận được", ông Khánh cho biết.

Ông Khánh bình luận, với Mỹ, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa hoạt động giao thương, thương mại và đầu tư. "Với Triều Tiên, bình thường Việt Nam phải giỏi mới có thể đầu tư vào, nhưng với thực tế hiện nay, Việt Nam không cần giỏi cũng có thể làm được điều đó thông qua một nước thứ 3. Điển hình như Hàn Quốc, họ không có mối quan hệ với Triều Tiên như cách mà Việt Nam quan hệ với Triều Tiên. Chính vì thế, việc Hàn Quốc hay Nhật Bản đầu tư nhiều sang Việt Nam thì không có lý do gì họ không thông qua Việt Nam để đầu tư sang Triều Tiên, nếu Việt Nam xử lý được”, ông Khánh phân tích.

Tuy nhiên, để có được cơ hội “vàng” về kinh tế, ông Khánh cho rằng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Ngân hàng Nhà nước sẽ là những Bộ, ngành trực tiếp liên quan cần phải chủ động và sẵn sàng.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Triều Tiên và cơ hội của Việt Nam - 5

NHNN cần chuẩn bị cơ chế cho việc lưu chuyển dòng vốn và kiểm soát ngoại hối khi Triều Tiên mở của đổi mới.

“Về phía Bộ Công thương hay Bộ Nông Nghiệp chủ động đánh giá những lĩnh vực đầu tư, trung gian đầu tư có thể đầu tư vào Triều Tiên khi quốc gia này mở cửa đổi mới kinh tế. Còn phía NHNN phải thực sự chủ động và thể hiện được định hướng chủ đạo, chuẩn bị sẵn cơ chế điều chỉnh tỷ giá và quan hệ thanh toán đối với đồng tiền của Triều Tiên.

Việc của Bộ Công thương hay Bộ Nông nghiệp chỉ là kinh tế ngành, cơ chế cho việc lưu chuyển dòng vốn và kiểm soát ngoại hối đấy mới là quan trọng. Chưa kể, việc chuyển đổi giữa các đồng tiền và hệ thống thanh toán được lẫn nhau có thuận lợi hay không. Những yếu tố này sẽ quyết định đến môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư của Việt Nam”, ông Khánh đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN