Thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng dù thất nghiệp nhiều
Cần giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhiều nước cũng đã giảm loại thuế này để hỗ trợ người dân.
Đang có một nghịch lý là tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và được giảm trừ gia cảnh nhưng số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà người lao động (NLĐ) phải đóng không giảm mà lại tăng mạnh.
Đáng lẽ phải giảm thì lại tăng
Kể từ đầu tháng 7-2020, Luật Quản lý thuế 2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với người chịu thuế TNCN được điều chỉnh tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế; từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.
Với mức giảm trừ gia cảnh như trên, theo Bộ Tài chính, sẽ có 6,8 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này và khoảng 1 triệu người không phát sinh số thuế nộp. Từ đó số thu thuế TNCN năm nay dự kiến giảm hơn 10.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, thu nhập của hầu hết người dân sụt giảm do dịch COVID-19. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Thế nhưng thật lạ lùng, số thu thuế TNCN lại liên tục tăng. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu thuế TNCN tám tháng qua đạt 77.100 tỉ đồng. Trong đó tháng 6 thu được 6.900 tỉ đồng, tháng 7 là 7.400 tỉ đồng và tháng 8 vọt lên 10.400 tỉ đồng... Đây là mức tăng gây bất ngờ.
Lý giải việc thuế TNCN tăng mạnh trong bối cảnh giảm thu nhập và thất nghiệp gia tăng, ông Lê Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế thuộc Tổng cục Thuế, cho biết: Nếu tính lũy kế thì thu thuế TNCN trong chín tháng đầu năm nay (tính đến ngày 15-9) tăng 7.100 tỉ đồng so với tháng 8, đạt 84.200 tỉ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ví dụ, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương (tăng 2,12%); chỉ số giá bình quân chín tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Việc giảm thuế không chỉ giúp kích thích chi tiêu, mua sắm của người dân mà còn tạo hiệu ứng tích cực cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TÚ UYÊN
Thứ hai, trong tổng thu chín tháng đầu năm, số thu tăng chủ yếu do những nguồn thu phát sinh từ kinh tế năm 2019 nộp trong quý I tăng khá, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Tình hình kinh tế năm 2019 tăng khá dẫn đến các doanh nghiệp (DN) chi trả thu nhập cho NLĐ trong dịp trước và sau tết Nguyên đán tăng cao. Ngoài ra, thị trường bất động sản sôi động, thị trường chứng khoán khởi sắc...
Từ tháng 7 đến nay, thị trường chứng khoán thanh khoản tăng cao. Thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhẹ so với quý II nên thu thuế TNCN từ những nguồn này tăng khá đã kéo thuế TNCN trong quý III tăng 2% so với cùng kỳ.
“Bước vào tháng 8, thực hiện Nghị quyết 945/UBTVQH14 về nâng mức chiết trừ gia cảnh thuế TNCN nên thu từ tiền lương, tiền công tháng 8 chỉ bằng 93,7%, thu từ hộ cá nhân kinh doanh tháng 7 và tháng 8, kể cả tháng 9 vẫn chưa hồi phục và thấp hơn cùng kỳ. Dự báo thu từ nay đến cuối năm đối với nguồn thu này còn nhiều khó khăn” - ông Lê Văn Hải giải thích.
Tăng do thu thuế tiền trợ cấp mất việc
Ngành thuế giải thích như trên nhưng các DN, NLĐ và chuyên gia có cái nhìn khác. Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đánh giá số thu thuế TNCN tăng một phần do khoản thu 10% TNCN đối với khoản tiền DN hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
“Số lượng lao động mất việc, nghỉ việc gia tăng thì số thu thuế này tăng lên. Dù NLĐ có thể được hoàn lại khoản thuế này sau khi làm thủ tục quyết toán thuế cho cả năm 2020 vào tháng 3-2021” - ông Xoa nói.
Ngoài ra, ông Xoa phân tích từ đầu tháng 7-2020, áp dụng mức giảm trừ cảnh cho bản thân người nộp thuế. Như vậy trên thực tế, số thuế TNCN của NLĐ có thể giảm nhưng không đáng kể vì các bậc chịu thuế quá dày, thu nhập tính thuế hằng tháng giữa các bậc cách nhau không nhiều. Điều này cho thấy tăng việc giảm trừ gia cảnh không phải để giảm thuế mà chạy theo lạm phát. Bên cạnh đó, đối tượng chịu thuế TNCN hiện nay đã tăng lên so với trước đây rất nhiều.
Làm việc cho một công ty nước ngoài tại TP.HCM gần chục năm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công ty khó khăn, buộc tạm ngừng hoạt động nên anh Xuân Tiến (quận 12, TP.HCM) mất việc làm hơn hai tháng nay. Anh Tiến cho biết phía công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc tương đương với sáu tháng lương, khoảng 190 triệu đồng.
Thế nhưng, anh Tiến bức xúc cho biết dù bị thôi việc, khả năng kiếm việc làm rất khó khăn vì dịch nhưng vẫn bị khấu trừ thuế TNCN. “10% thuế TNCN mà tôi bị khấu trừ tương đương với 15 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với chúng tôi trong lúc khó khăn, cao hơn một tháng thu nhập. Dù phía cơ quan thuế nói sẽ làm thủ tục hoàn thuế vào cuối năm nhưng tôi thấy khoản khấu trừ này bất hợp lý. NLĐ mất việc làm lại còn bị thu thuế TNCN từ khoản trợ cấp thôi việc là vô lý” - anh Tiến nói.
Mức thuế khá nặng
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, thuế TNCN hiện nay đang đánh vào đối tượng trung bình đến trung bình khá với mức thuế khá nặng.
Cụ thể, hiện khoảng cách điều tiết biểu thuế rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm. Thuế suất mức 15%, 20%, 25% quá ngắn, như vậy người có phần thu nhập tính thuế khoảng 20-50 triệu đồng lại đóng thuế rất nhiều.
“Vì vậy, trước mắt Chính phủ cần hỗ trợ giảm 30% thuế TNCN, về lâu dài thì nên giãn bậc thu nhập tính thuế để giảm mức thuế TNCN” - ông Hiển nói.
Cần giảm ngay thuế
Trong bối cảnh NLĐ đang khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng giảm thuế TNCN là hết sức cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh.
Luật sư Trần Xoa cho rằng trước mắt Chính phủ cần chỉ đạo ngành thuế xem xét việc không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền mà các công ty hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
“Bên cạnh đó, để hỗ trợ NLĐ trong thời điểm dịch COVID-19, cần quy định mức thu nhập vãng lai phải chịu thuế TNCN 10% là 5 triệu đồng thay vì 2 triệu đồng như hiện tại” - luật sư Xoa góp ý.
Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần phải giảm 30% thuế TNCN cho người dân như đã hỗ trợ với các DN.
Bởi việc giảm thuế TNCN sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, kích thích sản xuất giúp nền kinh tế hồi phục vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác, cá nhân cũng là những thành phần kinh tế, thành phần sản xuất. Vì thế giảm thuế TNCN là hợp lý và công bằng.
Nên bỏ thu thuế khoản tiền hỗ trợ người mất việc
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Về đề nghị này, thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để trình các cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việc miễn, giảm thuế TNCN cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Trong ảnh: Công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Trả lời báo chí, Phòng quản lý hộ kinh doanh cá nhân thuộc Cục Thuế TP.HCM cho biết theo quy định, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba tháng, mỗi lần chi trả thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên phải khấu trừ 10% và đến cuối năm quyết toán theo biểu thuế lũy tiến.
Do đó, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị lên Tổng cục Thuế không khấu trừ 10% đối với thu nhập vãng lai mà thực hiện khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến, đảm bảo không phát sinh hồ sơ hoàn thuế quá nhiều và có thời gian thu các khoản khác kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Tờ New York Times cho rằng Tổng thống Trump đã trốn thuế trong suốt 10 năm.