Thống đốc: Sẽ tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát tài chính, chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thống đốc nêu nhiều hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm việc xử lý các nhà băng yếu kém.

"Các tổ chức tín dụng đã được chỉ đạo rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng. Hai nhà băng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng", Thống đốc cho biết.

Trước đó, tại Báo cáo gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, tức mua 0 đồng (CBBank, OceanBank, GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt (DongA Bank). Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Các biện pháp được Chính phủ đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...

Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, báo cáo cho biết.

Gần đây, lãnh đạo CBBank từng nhiều lần chia sẻ đang hoàn tất các thủ tục để sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc về Vietcombank. MB cũng đang hỗ trợ Oceanbank và thông báo đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, kỳ vọng xong trong năm nay hoặc 2025 sau khi Chính phủ phê duyệt.

Ngoài 4 nhà băng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn - SCB cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp ngày 7/10. Ảnh: VGP

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp ngày 7/10. Ảnh: VGP

Bên cạnh thông tin về xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc nhận định thời gian gần đây, tình hình lạm phát trên thế giới đang giảm dần về mức mục tiêu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% sau rất nhiều tháng cân nhắc, thận trọng.

Chỉ số USD mặc dù vẫn tăng so với đầu năm, tuy nhiên áp lực đã dịu bớt, tạo thuận lợi cho chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một động lực quan trọng cho nền kinh tế, theo bà Hồng.

Đối với kinh tế trong nước, Thống đốc nhận định các động lực tăng trưởng từ phía cung và cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Tuy nhiên, động lực tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều và phản ánh qua tổng mức bán lẻ loại trừ, giá chỉ tăng 5,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8%).

Người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định, lạm phát khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân sẽ tiếp tục giảm khoảng 0,5%, tiền đồng mất giá khoảng 1,66% - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Tính đến 30/9, tín dụng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng 15% cả năm, theo bà, là hoàn toàn khả thi. Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Hiện nay, có 30 trên 45 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 2% với tổng giá trị dư nợ 405.000 tỷ...

Nguồn: [Link nguồn]

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc của ngân hàng PGBank, doanh nhân sinh năm 1980 này được giới thiệu đã có 21 năm kinh nghiệm trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Trang ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN