Thống đốc: Sẽ lập sàn giao dịch vàng vào thời điểm phù hợp

Sự kiện: Giá vàng
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động, tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp.

Sáng 11/11, vấn đề về điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh thị trường vàng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Đại biểu Đỗ Huỳnh Khánh (Đồng Nai) nêu thực tế, hiện nhiều nước trên thế giới cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và có kế hoạch gì đề xuất với Chính phủ về việc thành lập sàn giao dịch hay không.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một số nước trên thế giới thành lập sàn vàng, như Trung Quốc có sàn vàng ở Thượng Hải, một trong những sàn lớn nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, trong khu vực có những nước không thành lập sàn vàng.

Đại biểu Đỗ Huỳnh Khánh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Huỳnh Khánh. Ảnh: Quốc hội

Theo Thống đốc, việc thành lập sàn vàng có những mặt tích cực như giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng, cần đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng như Trung Quốc.

Vì vậy để đủ vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường, Việt Nam phải nhập từ thị trường quốc tế.

"Việc thành lập sàn vàng đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp với bối cảnh điều kiện của Việt Nam”, bà Hồng phân tích.

Cửa hàng vàng gặp khó khi chứng minh nguồn gốc

Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu cử tri Tây Ninh phản ánh, khó khăn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp phải tự kê khai hàng hóa tồn kho, bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc. 

Theo Nghị định 24, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.

Đại biểu Trần Hữu Hậu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Hữu Hậu. Ảnh: Quốc hội

Ông Hậu cho biết, hầu hết doanh nghiệp vàng hiện nay là tư nhân, nâng cấp từ cửa hàng vàng lên, thủ tục đăng ký hết sức đơn giản, chỉ điền thông tin vào một biểu mẫu và họ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Do tế nhị, trước đây họ không ghi hết tài sản của mình và cũng không được yêu cầu. Do đó, nhiều loại vàng, nhất là do cha ông để lại không thể chứng minh nguồn gốc.

Các doanh nghiệp cũng được thành lập từ những cửa hàng kinh doanh kiểu gia đình nên làm theo thói quen vốn có và có sai sót sổ sách, chứng từ.

Với tinh thần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đại biểu đề nghị Thống đốc có thể tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn này.

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Thống đốc cho biết, tại Nghị định 24 đã quy định rõ chức năng của bộ, ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vấn đề kế toán, chứng từ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Ngân hàng Nhà nước ghi nhận câu hỏi của đại biểu Hậu và sẽ tiếp tục tham gia cùng các bộ, ngành để cân nhắc, đánh giá.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết câu hỏi của đại biểu Trần Hữu Hậu liên quan nhiều bộ ngành, chính sách. Ông đề nghị Thống đốc trả lời bằng văn bản.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, giá vàng tăng ngoài theo xu hướng của thị trường thế giới còn do tâm lý và sự kỳ vọng. Bên cạnh đó, có khả năng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thường ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN