Thời kỳ tiền rẻ kết thúc, các tập đoàn liên tục vỡ nợ thành bài học khó quên
Nằm gần một hồ nước với nhiều loài động vật hoang dã, cách Seoul vài giờ đi tàu, Legoland của Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân trong cuộc đấu tranh chống lạm phát của Chính phủ.
Việc Legoland không trả được khoản nợ trị giá 205 tỷ won (155 triệu USD) đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thị trường tín dụng trị giá 1.690 nghìn tỷ won của Hàn Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và khi các đợt tăng lãi suất gây thiệt hại cho thị trường bất động sản trên toàn thế giới, đó là một bài học rằng ngay cả các hệ thống tài chính tương đối an toàn hơn như của Hàn Quốc - được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi là “kiên cường” vào đầu năm nay - cũng phải đối mặt với các mối đe dọa.
Từ tháng 8 năm ngoái, NHTW Hàn Quốc (BoK) đã thực hiện một trong những đợt tăng lãi suất sớm nhất thế giới. Song, họ vẫn đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát có thời điểm đạt mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Thời điểm tháng 5, Legoland vẫn là một tập đoàn có thành tích vượt trội. Họ xây dựng những bản sao của các địa danh nổi tiếng nhất Hàn Quốc bằng tấm ghép Lego và là công viên giải trí lớn mang thương hiệu này lần đầu tiên đến với đất nước này.
Nhưng vào ngày 29/9, Thống đốc Gangwon mới đắc cử Kim Jin-tae đã không thanh toán khoản nợ cho dự án Legoland do Tập đoàn phát triển Gangwon Jungdo vay. Thành phố này là cổ đông lớn nhất của nhà phát triển, trong một thỏa thuận được tạo ra dưới thời người tiền nhiệm và là đối thủ chính trị của Kim. Việc một tổ chức chính phủ từ chối thanh toán khoản nợ đã gây sốc cho thị trường tiền tệ vốn đang chịu áp lực từ việc tăng lãi suất.
Khi lợi suất tín dụng ngắn hạn tăng vọt, các nhà chức trách ở Seoul đã cam kết hỗ trợ hàng tỷ đô la cho thị trường tài chính. Mặc dù điều đó đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng, nhưng lợi suất trên thị trường tiền tệ ngắn hạn vẫn ở gần mức cao nhất trong 14 năm.
Theo dữ liệu của BoK, các công ty môi giới mua lại một số loại chứng khoán này và ở thời điểm cuối tháng 6, trung bình mức độ “phơi nhiễm rủi ro” với tài chính dự án bất động sản lên tới 39% vốn chủ sở hữu của họ. Số liệu BoK công bố ngày 2/12 cho thấy, khoảng 11,3 nghìn tỷ won PF-ABCP sẽ đáo hạn vào cuối năm 2022.
Những gì Hàn Quốc từng trải qua trong vài thập kỷ qua đã khiến nước này đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp. Sau một loạt vụ phá sản, IMF đã phải tung một gói cứu trợ cho Hàn Quốc vào năm 1997. Khi đó, nền kinh tế nước này chìm trong sự mờ mịt, những khoản nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đã khiến hàng loạt tổ chức nhận tiền gửi phi ngân hàng sụp đổ vào năm 2011.
Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc sẵn sàng thực hiện những biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn, khi họ đang nỗ lực hỗ trợ một thị trường tín dụng từ vị thế an toàn nhất thế giới đi tới vực thẳm một cách nhanh chóng.
Sau vụ vỡ nợ ở Gangwon, giới chức nước này đã tung ra các biện pháp bao gồm gói viện trợ hơn 50 nghìn tỷ won cho thị trường nợ, thay đổi các quy định về tài sản thế chấp nhằm thúc đẩy thanh khoản và việc mua thương phiếu của các ngân hàng cũng như bảo lãnh thêm tài chính dự án. Nhờ đó, thị trường tín dụng đã hồi phục trong những ngày gần đây, khi chênh lệch giá trái phiếu giảm và lợi suất của các khoản nợ ngắn hạn ổn định.
Hơn nữa, nguy cơ rủi ro lan ra khắp châu Á đã trở thành mối lo ngại mới, khi một công ty bảo hiểm ít tên tuổi là Heungkuk Life Insurance Co. cho biết sẽ không đáp ứng quyền chọn mua đối với trái phiếu vĩnh viễn, khiến tình trạng bán tháo xảy ra trên khắp Hàn Quốc. Và sau đó, công ty này phải thay đổi quyết định.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hạn mức (room) tín dụng cho những ngân hàng thương mại có thanh khoản cao, đặc biệt những ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp…