Dịch Corona cuốn phăng hàng chục tỷ USD, NĐT Việt có nên "ôm tiền" sống trong sợ hãi?
Lãnh đạo SSC cho rằng trước làn sóng bất an do đại dịch cúm Corona gây ra, nhà đầu tư nên giảm bớt tỷ trọng sở hữu cổ phiếu và hạn chế giải ngân.
Sau chuỗi 3 phiên điều chỉnh liên tiếp, thị trường đã lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch 4/2.
Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 0,95 điểm (0,1%) lên 929,09 điểm; HNX-Index tăng 1,25% lên 102,57 điểm và UPCom-Index tăng 0,67% lên 54,74 điểm.
VN-Index đóng cửa tăng 0,95 điểm.
Dù vậy, giao dịch khối ngoại diễn ra không thực sự tích cực khi họ bán ròng 232 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào VJC (59,31 tỷ đồng), VNM (53,65 tỷ đồng), DXG (22,59 tỷ đồng)…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phát huy sức mạnh chống đỡ thị trường. CTG hôm nay gây bất ngờ khi tiếp tục tăng 7% lên 26.900 đồng. SHB, MBB, VPB đều tăng mạnh.
Phía giảm giá, CTD, VRE, VNM, POW thuộc nhóm VN30 đã bất ngờ giảm hơn 3% bất chấp nỗ lực tăng giá của thị trường. Việc sụt giảm của các cổ phiếu này khiến chỉ số Vn-Index dù bình phục sau 3 phiên giảm sâu cũng không thể tăng mạnh được. Vốn hoá thị trường chứng khoán vẫn mất hàng chục tỷ USD kể từ sau tết nguyên đán.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 3/2, thị trường chứng khoán trong nước có lúc mất hơn 40 điểm và xuống đáy ba năm. Bảng điện tử trên sàn TP HCM ngập trong sắc đỏ, nhiều cổ phiếu thuộc rổ vốn hoá lớn... đồng loạt giảm sàn.
Trước diễn biến này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) khẳng định SSC đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó.
Một số nước sử dụng hệ thống tự động ngắt mạch giao dịch khi giá chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép. Nhưng Việt Nam chưa có chính sách này nên việc tạm ngưng giao dịch (nếu có) sẽ theo quyết định của cơ quan điều hành.
"Tôi chắc chắn kịch bản này không xảy ra vì tình hình chưa đến nỗi nào", ông Dũng nói và khuyên nhà đầu tư nhìn đa chiều, điềm tĩnh hơn với diễn biến thị trường.
Chứng khoán Việt Nam mở cửa từ mùng 6 Tết và đã ghi nhận mức giảm trên 4%. Trong khi đó, Trung Quốc đến 3/2 mới mở cửa. Lãnh đạo SSC cho rằng, thị trường như vậy do nhà đầu tư phản ứng thái quá sau khi thị trường Trung Quốc giảm sâu.
"Thị trường Trung Quốc đi trước một giờ so với chúng ta, vì thế sáng 3/2, VN-Index có lúc mất hơn 40 điểm là điều không mong muốn nhưng khó tránh trong bối cảnh này", ông Dũng nói.
Tâm lý bất an của nhà đầu tư do dịch cúm corona gây ra.
Ông Dũng lưu ý, "lò xo" này bị nén từ trước đợt Tết nay bung ra giữa đợt dịch viêm phổi tạo nên tâm lý bất an, bất chấp thông tin Ngân hàng Trung ương nước này sẽ bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ để nâng đỡ nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội. Nhưng ông Dũng cho rằng, các phản ứng gần đây có phần thái quá.
Ông dẫn ví dụ, trước đây, thị trường cũng biến động tức thì khi xuất hiện dịch SARS, H5N1 song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi.
Với quyết tâm đang thể hiện của cộng đồng quốc tế và chính phủ Việt Nam, ông Dũng hy vọng dịch viêm phổi có thể sớm được khống chế. Vì thế, nhà đầu tư cũng có quyền hy vọng thị trường lần này sẽ diễn biến tương tự.
Trong giai đoạn nhạy cảm này, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị thận trọng quan sát, giảm bớt tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu và hạn chế giải ngân để tránh rủi ro trong lúc chờ thị trường có những tín hiệu mới.
Đơn vị sản xuất khẩu trang tại Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo...
Nguồn: [Link nguồn]