Thiệt đơn, thiệt kép vì giải ngân vốn đầu tư chậm

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tỷ lệ giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm thấp có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các địa phương nhưng việc phối hợp của Bộ Tài chính cũng rất quan trọng và còn nhiều “điểm nghẽn”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Tài chính.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách Trung ương và địa phương đều đạt khá, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác thu. Đặc biệt là 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh gồm thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung. 

Về chi ngân sách, 6 tháng số chi đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 41% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Một vấn đề đáng quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra một số hạn chế, khó khăn phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới của ngành tài chính, trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hoá còn chậm...

“Xây dựng thể chế, ban hành văn bản không rõ ràng gây khó khăn cho DN, chưa kịp thời trình Thủ tướng bãi bỏ, bổ sung các văn bản vướng mắc. Ví dụ văn bản hướng dẫn cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của xăng dầu...”, Phó Thủ tướng nói. 

Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, trong dài hạn cần phải rà soát, có đường hướng điều chỉnh chính sách thu để nuôi dưỡng và tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực như thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... “Tinh thần là chặt chẽ và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu chứ không chỉ đơn giản là thu thuế. Trước mắt chúng tôi đề nghị Bộ trình Chính phủ nghị quyết giải pháp hỗ trợ thuế cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) và hộ kinh doanh để họ trở thành DN để có cơ sở thu thuế...”, Phó Thủ tướng nói. 

Kiểm soát DN FDI gian lận xuất xứ hàng hóa

Liên quan tới công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không được khoan nhượng với các hiện tượng đầu tư chui, núp bóng của DN FDI để gian lận xuất xứ hàng hoá. 

Về tỷ lệ giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm thấp, Phó Thủ tướng cho rằng có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các địa phương nhưng việc phối hợp của Bộ Tài chính cũng rất quan trọng và còn nhiều điểm nghẽn. “Nước nào cũng kêu đề xuất Việt Nam sớm thanh toán khoản nợ chính phủ cho các nhà thầu. Chúng ta tắc không giải ngân được. Nhà thầu nước ngoài và trong nước sẽ đều khó, gây thiệt đơn thiệt kép”, ông Huệ nói. 

Liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần quyết liệt hơn nữa, nhất là những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như Thuế, Hải quan, quản lý ngân sách, đất đai, công sản, chứng khoán, xử lý nghiêm các sai phạm. “Phòng ngừa là chính nhưng khi có sai phạm phải xử lý nghiêm kể cả lĩnh vực Thanh tra Tài chính. Vụ việc Thanh tra xây dựng bị bắt vừa rồi ở Vĩnh Phúc là bài học rất lớn cho ngành Tài chính”, Phó Thủ tướng nói. 

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt gần 96.900 tỷ đồng

5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư công mới giải ngân ước gần 96.900 tỷ đồng, đạt hơn 26% kế hoạch Chính phủ giao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN