Thị trường chứng khoán 2020: “Đà lao dốc” liệu có lặp lại?

Năm tài chính 2019 đã kết thúc, cùng điểm lại toàn cảnh thị trường chứng khoán năm 2019 cũng như những kỳ vọng cho năm mới 2020.

Năm 2019 khó hiểu với đà đi xuống 

Năm 2019 được chờ đợi thanh khoản sẽ tăng mạnh nhờ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi; hàng loạt công ty chứng khoán tăng vốn, hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, nhưng thực tế không như kỳ vọng. 

Năm 2019, chứng khoán Việt Nam chìm đắm trong đà đi xuống gây ra cảm giác khó hiểu với rất nhiều nhà đầu tư trong nước

Năm 2019, chứng khoán Việt Nam chìm đắm trong đà đi xuống gây ra cảm giác khó hiểu với rất nhiều nhà đầu tư trong nước

Trong bối cảnh Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại và chứng khoán thế giới liên tục tạo đỉnh mới thì đà đi xuống của chứng khoán Việt Nam gây ra cảm giác khó hiểu với rất nhiều nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng liên tiếp nhiều tháng cũng làm cho tâm lý nhà đầu tư trở lên mong manh hơn bao giờ hết.

Trong khi chỉ số VN-Index tính đến 19/12 tăng 6,79% so với cuối năm 2018; vốn hóa thị trường đạt 4.383 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP, thì thanh khoản trên thị trường cổ phiếu lại giảm 29% so với bình quân năm 2018. Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%. 

Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, thực tế thị trường cho thấy, nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất (VN30) đã bị khối ngoại bán ròng trong một thời gian dài, hiện chưa thấy có lực đỡ nào khác cho các cổ phiếu lớn.

Được biết, Moody’s bắt đầu xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng từ ngày 10/10/2019, sau khi tổ chức này xem xét hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam vào ngày 9/10/2019.

Việc Moody’s hạ triển vọng nhóm ngân hàng xuống tiêu cực, theo Bộ Tài chính, là không tương xứng với nỗ lực chỉ đạo tái cấu trúc ngành của Chính phủ.

Tuy nhiên, đây cũng là cảnh báo cần thiết để hệ thống ngân hàng nhìn lại một cách khách quan và phát hiện những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống.

Những diễn biến này đòi hỏi thị trường chứng khoán trong năm mới cần thêm các giải pháp mới, để thúc đẩy thanh khoản, tạo niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước, để dòng vốn chảy mạnh hơn vào doanh nghiệp và thanh khoản tốt hơn trên thị trường giao dịch thứ cấp. 

Năm 2020 kỳ vọng thị trường mang một gam màu mới

Năm 2020 được dự báo sẽ là năm khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp dự liệu sẽ phải đối mặt với không ít thách thức và chủ động đặt kế hoạch thấp cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, trước một chu kỳ tín dụng mới được mở ra, cùng những kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế, của các doanh nghiệp năm 2020 hy vọng sẽ giúp cho các nhà đầu tư có tầm nhìn khả quan hơn về năm mới.

Riêng với dòng tín dụng, dựa vào CPI năm 2019 và sự hấp thụ của dòng vốn tín dụng trong năm, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của năm 2020 sẽ được định khung ở mức 10-12% so với 2019.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục lộ trình siết tín dụng vào bất động sản, qua đó giảm tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống mức 40% và về 30% đến năm 2021.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2020, hệ số rủi ro đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ được nâng lên 150%, thay vì mức 50% hiện hành.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, để tìm vốn, họ đã sử dụng mạnh mẽ công cụ trái phiếu trong năm 2019.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng rủi ro khi phát hành trái phiếu ở nhiều doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư dường như lại hứng khởi với kênh này khi được hưởng lãi suất so với gửi tiết kiệm chênh từ 2-4% cùng kỳ hạn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp gọi được vốn, có thêm cơ hội phát triển kinh doanh và ghi nhận hiệu quả trong tương lai.

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có thể là điểm tựa nhất định cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bản thân nội tại TTCK Việt Nam sau một thời gian điều chỉnh giảm về vùng đáy của năm 2019, giá nhiều cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn vốn đầu tư trung và dài hạn.

Qua kỳ nghỉ Tết, nhiều nhà đầu tư sẽ bình tĩnh lại và so sánh tương quan giá cổ phiếu với mức tăng trưởng doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán toàn cầu, có thể sẽ nhận thấy sự hấp dẫn trở lại của kênh đầu tư chứng khoán.

Ở mức giá hiện tại, cơ hội giải ngân là khá nhiều, đặc biệt, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ (midcap và penny) có nhiều mã đang có mức giá rất hấp dẫn.

Những doanh nghiệp có khả năng hồi phục kinh doanh sẽ là cơ hội để giải ngân cho một năm mới 2020.

Do đó, hy vọng, TTCK trong những tháng đầu năm 2020 sẽ khác bối cảnh buồn của cuối năm vừa qua.

Nguồn: [Link nguồn]

Thị trường chứng khoán cuối năm: Nhà đầu tư thận trọng vì... thua lỗ

Trong gần 1 tháng qua, chỉ số VN-Index giảm từ 1.025 điểm xuống dưới 960 điểm, mức giảm chung là hơn 6%, tài khoản của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN