Thị trường 9 triệu tài khoản, sao VN-Index quẩn quanh mốc 1.200 điểm?
Các yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán, thế nhưng với 9 triệu tài khoản VN-Index vẫn chỉ loanh quanh mốc hơn 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index có lúc lên mốc 1.230 điểm, rồi giảm về mức 1.228 điểm, thanh khoản thị trường thấp. Ưu điểm là khối ngoại chấm dứt 30 phiên bán ròng, chuyển sang gom mua cổ phiếu trị giá gần 30 tỷ đồng.
“Đà hồi phục đã chững lại trong ngày hôm nay. Những phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng kháng cự cũ 1.230, dòng tiền luân chuyển qua các nhóm ngành để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn”, nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) trong ngày 22/11 gần như nhất quán với dự báo chuẩn xác trước đó cả tuần rằng: VN-Index vẫn đi ngang.
Hơn thế nữa, trong báo cáo “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 10/2024”, BSC cũng đã đưa ra nhận định theo tháng: Kinh tế vĩ mô tích cực nhưng thị trường cần sự xác nhận của dòng tiền để có thể bước vào một nhịp tăng sau thời gian dài ở trong diễn biến giằng co. Tiếc rằng, “sự xác nhận của dòng tiền” để đưa VN-Index vào nhịp tăng đã không thể diễn ra tính đến ngày 22/11.
Nhà đầu tư được các công ty chứng khoán gần như lặp đi lặp lại lời khuyên rằng “giao dịch thận trọng trong những phiên tới”, dù ngày càng nhiều người mở mới tài khoản, tốc độ mở mới tài khoản chứng khoán liên tục tăng.
Theo thống kê của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, tổng số tài khoản trên thị trường chứng khoán đã lên đến 9 triệu.
Với 9 triệu tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước (tương đương 9% dân số của Việt Nam) cùng với nhiều yếu tố thuận lợi nhẽ ra thị trường phải sôi động mới phù hợp thực tế, và phản ánh chứng khoán đúng là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng 7%.
Thế nhưng, thanh khoản thị trường nhiều phiên quá thấp, theo báo cáo của Bộ Tài chính về thị trường chứng khoán đưa ra vào giữa tháng 11, giá trị giao dịch bình quân tháng 10 đạt 18.042 tỷ đồng/phiên, thấp hơn bình quân 10 tháng (22,13 nghìn tỷ đồng).
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhưng chưa thực sự góp phần để thị trường bật lên.
Giá trị giao địch bình quân 10 tháng dù cao hơn 25,9% so với bình quân của năm 2023 nhưng đó vẫn là mức thấp, bởi giao dịch của năm 2023 vẫn chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid và những ảnh hưởng tiêu cực của nhiều vụ bắt bớ liên quan thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong hơn một tháng trở lại đây càng cho thấy số lượng tài khoản mở mới lớn, tăng trưởng nhanh nhưng ít có tác động tích cực đến thị trường trong nhiều tháng qua. Khi thị trường rơi vào trầm lắng, nhà đầu tư chứng khoán cũng rơi vào tâm lý đám đông “lười” giao dịch kéo dài.
Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư nhiều nhưng nhỏ lẻ chiếm chủ yếu đã được chỉ ra, nhưng chưa có cách nào khắc phục, nâng giá trị tài koản của họ. Còn thị tường thì kém hấp dẫn “nhà đầu tư cá mập”. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán gần như ít thay đổi, không được bổ sung cổ phiếu mới cần thiết đã làm cho “khẩu vị đầu tư” trở nên nhạt nhẽo.
Tháng 10, BSC Research dự báo các kịch bản cho VN-Index năm 2024 : Kịch bản 1 (tiêu cực): VN-Index tiệm cận 1.200 điểm, Kịch bản 2 (tích cực): VN-Index hướng đến 1.425 điểm. Kịch bản cơ sở: VN-Index ở mức 1.298 điểm (xác suất cao hơn). Đến nay, kịch bản cơ sở vẫn đúng như dự báo.
Tốc độ cổ phần hóa chậm cũng góp phần làm cho thị trường chứng khoán khó đón thêm doanh nghiệp niêm yết. Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10/2024, cổ phần hóa tiếp tục được thực hiện theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 đã được Thủ tướng chấp thuận. Thế nhưng, chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa!
Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư dài cổ chờ “hàng mới” trên thị trường để có thể đa dạng danh mục đầu tư, thế nhưng càng chờ càng không thấy. Cảm giác của họ cũng giống như chờ đợi thị trường được nâng hạng, nhưng thời điểm được nâng hạng thì vẫn chỉ nằm trong dự báo.
Báo cáo về công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính mới đây, Bộ Tài chính cho biêt, bộ này đang cơ cấu lại thị trường chứng khoán. Để lành mạnh thị trường, Bộ đang tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hoạt động thanh tra nhằm đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Nhờ quyết liệt thanh kiểm tra, cơ quan chức năng của Bộ đã ban hành đến 439 quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 53,97 tỷ đồng.
VN-Index bất ngờ thủng mốc 1.240 điểm, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua với loạt cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]