Thị giá 4.000 đồng, FLC muốn bán 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng

Ngày 5/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho CTCP Tập đoàn FLC chào bán gần 300 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Cụ thể, Tập đoàn FLC sẽ chào bán hơn 299,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 42,2%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 422 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian chào bán cổ phiếu là trong vòng 90 ngày kể từ ngày 5/8, tức là chậm nhất vào ngày 5/11. Tổ chức tư vấn phát hành lần này là Công ty cổ phần chứng khoán An Phát. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua là 20/8 tới đây.

Hiện tại, FLC đang có vốn điều lệ gần 7.100 tỷ đồng, tương ứng lượng cổ phần lưu hành là 710 triệu cổ phần. Nếu đợt chào bán thành công 100%, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng lên đến 10.100 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ cổ phần lưu hành. 

Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2019, mức giá chào bán dự kiến cho đợt phát hành này là tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu thành công, FLC có thể thu về 3000 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC

Đáng chú ý, trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 6/8, cổ phiếu FLC dừng tại mức chỉ 3.810 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 62% so với mức giá tối thiểu mà FLC chào bán sắp tới. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên FLC chào bán cổ phần khi thị giá dưới mệnh. Ví dụ, trong năm 2016, FLC đã chào bán 179,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian từ 24/6 đến 19/8. Thị giá của FLC khi đó cũng chỉ loanh quanh 6.000 đồng/cổ phiếu. 

Kết quả, số cổ phiếu mà cổ đông hiện hữu đăng ký mua chỉ vỏn vẹn 23,6 triệu đơn vị, chiếm 13% tổng lượng chào bán. 156 triệu cổ phiếu "ế" được FLC chào bán riêng lẻ cho 8 nhà đầu tư cá nhân. 

Sau đó, 8 nhà đầu tư cá nhân này hào phóng chi ra khoảng 846 tỷ đồng để mua 84,6 triệu cổ phiếu phát hành thêm này với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc đợt phát hành, FLC vẫn chào bán được 108,2 triệu cổ phần, tương đương 60% lượng chào bán ban đầu, thu về khoảng 1.080 tỷ đồng.

Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu FLC cũng chưa một lần vượt mệnh giá, số nhà đầu tư này vẫn thua lỗ lớn khi mua cổ phần trong đợt phát hành thêm này. 

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, FLC đạt doanh thu 6.235 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21,3 tỷ đồng, sụt giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong Qúy II/2019, doanh nghiệp này lỗ thuần trong hoạt động kinh doanh chính và chỉ có lãi 13 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến. 

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng huy động vốn khủng, đề cử người của SK Hàn Quốc vào lãnh đạo

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Vingroup vừa công bố tờ trình về kế hoạch chào bán trái phiếu tại nước ngoài và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN