Thấy gì từ việc ‘núi tiền' tại các công ty chứng khoán đang vơi dần?
Nhiều công ty chứng khoán lớn trong ngành đều phải chứng kiến lượng tiền gửi của nhà đầu tư dần bị rút ra với lượng lớn trong quý I vừa qua. Giới chuyên gia cho biết, niềm tin của nhà đầu tư thời gian qua bị tác động không nhỏ bởi loạt vụ thao túng, thiếu minh bạch thông tin.
Công ty chứng khoán khó làm ăn
Chứng khoán VPS đang là công ty chứng khoán có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm hơn 4.000 tỷ trong vòng 3 tháng đầu năm, tương ứng giảm 24% về 13.074 tỷ đồng cuối quý I vừa qua.
Các mảng hoạt động của VPS trong kỳ hầu hết đều sụt giảm so với quý I/2022. Doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 1.362 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng tự doanh giảm 36%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 41%, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 56%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VPS chỉ đạt 116 tỷ đồng trong quý I, tương đương sụt giảm hơn 50%.
Nhà đầu tư đã bớt “mặn mà” với thị trường chứng khoán khi lượng tiền đã được rút ra đáng kể (ảnh minh họa).
Cơ cấu tài sản của VPS cũng biến chuyển mạnh trong quý I khi công ty đẩy hầu hết tiền và các khoản tương đương tiền sang thành tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và các khoản phải thu bán các tài sản tài chính.
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận con số tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý đã giảm mạnh trong quý I vừa qua. Tính đến cuối quý, khoản tiền gửi này chỉ còn 781,4 tỷ đồng, giảm gần 50% so với hồi đầu năm.
Bản lưu chuyển tiền tệ hoạt động môi giới, uỷ thác của khách hàng tại VDSC cũng cho thấy tiền thu bán chứng khoán môi giới cho khách hàng trong quý chỉ được 1.648 tỷ đồng trong khi con số này ở cùng kỳ năm ngoái đạt tới hơn 4.176 tỷ đồng.
VDSC đã phải ghi nhận một kỳ kinh doanh không thuận lợi khi doanh thu hoạt động đạt 138,5 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với quý I/2022. Trong đó doanh thu từ các mảng hoạt động đều sụt giảm. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 60% trong khi doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm đến 77%. Đóng góp vào tổng doanh thu trong kỳ đến từ việc lãi từ các khoản cho vay và phải thu tuy nhiên hạng mục này cũng đã giảm 25%.
Bên cạnh tiền gửi khách hàng thấp đi thì khoản vay margin cũng giảm nhẹ. Tại VDSC, giá trị cho vay hoạt động ký quỹ vào cuối quý I/2023 là 1.871 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với đầu năm.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại một công ty chứng khoán lớn khác là Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) khi cho vay giao dịch chứng khoán tại ngày 31/03/2023 là 6.906 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 6% trong vòng 3 tháng đầu năm. Đồng thời, tiền gửi của khách hàng cũng đã giảm nhẹ từ hơn 2.000 tỷ về 1.913 tỷ, trong đó tiền gửi về hoạt động môi giới chứng khoán giảm 10% về 1.492 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã bớt “mặn mà” với thị trường chứng khoán?
Nhìn vào một vài công ty chứng khoán tiêu biểu của thị trường nói trên cũng phần nào thấy được các nhà đầu tư đã bớt “mặn mà” với thị trường chứng khoán khi lượng tiền đã được rút ra đáng kể.
Sự khó khăn của thị trường đã khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong những quyết định mua bán của mình. Theo số liệu thống kê từ HoSE, trong quý I năm nay, quy mô giao dịch khớp lệnh đã giảm mạnh khi khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh đều giảm trên 26% so với quý trước đó là quý IV/2022.
Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng cho thấy, lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng đã giảm đáng kể trong những tháng đầu năm nay. Tháng 3 vừa qua, mức tài khoản mở mới đã giảm 38% so với tháng trước đó và đánh dấu 7 tháng liên tiếp thị trường không ghi nhận con số mở mới trên 100.000 tài khoản.
Chị Ngọc Minh (ở TPHCM) - một nhà đầu tư chứng khoán - chia sẻ: “Thị trường có nhiều biến động nên việc giao dịch không được thuận lợi như năm trước nữa. Tôi chỉ duy trì danh mục của mình với một số mã cổ phiếu đầu tư lâu dài và bớt lướt sóng hơn, nên cũng không còn để nhiều tiền mặt trong tài khoản chứng khoán”.
“Niềm tin vơi dần theo tài sản"
Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Thế Minh - chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán - cho rằng, từ năm 2022 đến nay, thị trường có hai vấn đề: Niềm tin và dòng tiền.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam có lúc lên thì lên rất mạnh, lúc giảm thì kiểu tụt dốc. Điều này khiến không ít nhà đầu tư lo ngại”, ông Minh nói và cho biết niềm tin của nhà đầu tư thời gian qua bị tác động không nhỏ bởi loạt vụ thao túng, thiếu minh bạch thông tin.
Thêm nữa, thị trường giảm từ 2022 đến nay khiến nhà đầu tư mất tiền nhiều. “Niềm tin vơi dần theo tài sản. Nhiều nhà đầu tư không chỉ hao hụt mà còn âm vốn”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết thêm, việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do thiếu vốn, thị trường suy thoái đã khiến các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả với nhiều gam màu kém sáng sủa. Chính điều này khiến dòng tiền chảy vào cổ phiếu bị tác động.
Bàn về giải pháp, vị chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây cơ quan quản lý nước đồng loạt ban hành các giải pháp, hỗ trợ nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng phục hồi, vực dậy nhiều ngành nghề, khơi thông tín dụng. Ông Minh kỳ vọng, niềm tin thị trường sớm được hồi phục khi bức tranh kinh tế sáng sủa hơn.
Vị chuyên gia cũng đề xuất thúc đẩy thêm hai nhóm giải pháp ngắn và dài hạn. Về ngắn hạn, ông Minh cho rằng cần sớm hạ lãi suất, khơi thông dòng vốn tín dụng, kích thích cầu nền kinh tế… Về dài hạn, cần có biện pháp nâng hạng thị trường, xem lại chất lượng cổ phiếu, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá…
Một chuyên gia khác cho biết, bên cạnh việc biến động khiến thị trường chứng khoán khó làm ăn hơn thì lãi suất tăng cao, dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán để tập trung cho phục vụ sản xuất kinh doanh cũng là lý do khiến cho các nhà đầu tư không còn để nhiều tiền trong tài khoản chứng khoán như trước đó.
Ngoài ra, việc một số đơn vị hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán không được phép cũng khiến một phần dòng tiền bị rút ra khỏi những công ty chứng khoán chính thống.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có cảnh báo tới các nhà đầu tư về hiện tượng này. Cụ thể, cho đến nay, vẫn còn một số doanh nghiệp tiếp tục có dấu hiệu hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán (app Infina, Savenow, BUFF,…), hoạt động môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ chứng khoán (website www.greenstock.vn, app Greenstock). Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Sau những thành công đạt được trong năm 2022, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu đạt 100.000 tỷ đồng trong năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]