Thấy gì từ việc một số nước phát tiền trực tiếp cho dân để kích thích tiêu dùng?
Việt Nam nên đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng và chuyển đổi số để có thể kích thích tăng trưởng dài hạn.
Vừa qua, Trung Quốc và Thái Lan đã phát tiền trực tiếp cho người dân để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, chia sẻ với Pháp Luật TPHCM, tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng với điều kiện kinh tế hiện tại của Việt Nam, việc triển khai một gói kích thích tiền mặt tương tự như những gói đã thấy ở Thái Lan và Trung Quốc có thể không phải là phương án phù hợp nhất.
"Việt Nam nên đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng và chuyển đổi số, có thể kích thích tăng trưởng dài hạn. Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai"- tiến sĩ Tùng nhấn mạnh.
Phát tiền trực tiếp có thể không phù hợp với Việt Nam
.Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc và Thái Lan phát tiền trực tiếp cho người dân?
+Tiến sĩ Bùi Duy Tùng: Chính phủ Thái Lan đã phát 10.000 baht/người cho 45 triệu công dân nhằm kích thích tiêu dùng nội địa. Số tiền này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và thương nhân địa phương.
Chính phủ Thái Lan cho rằng đây là một chính sách thích hợp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chậm hơn so với dự báo, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,6% trong năm 2024.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất và phát tiền một lần cho các đối tượng sống trong cảnh khó khăn. Các biện pháp này được đưa ra sau nhiều tháng gặp khó khăn kinh tế, bao gồm doanh số bán lẻ trì trệ và tỉ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng tăng, khiến tiêu dùng nội địa bị kìm hãm
Cả hai chương trình của Thái Lan và Trung Quốc đều nhằm hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Giai đoạn đầu của chương trình tại Thái Lan tập trung vào những người sở hữu thẻ phúc lợi và người khuyết tật, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
Tương tự, chương trình phát tiền mặt một lần của Trung Quốc hướng đến những công dân nghèo nhất, như trẻ mồ côi và những người sống trong cảnh nghèo cùng cực, phù hợp với chính sách "thịnh vượng chung". Sự hỗ trợ có mục tiêu này có thể mang lại một hiệu quả nhất định trong ngắn hạn thông qua việc tăng tiêu dùng của các nhóm dân số yếu thế nhất.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam
.Phóng viên: Còn hiệu quả lâu dài của chính sách trên thì sao, thưa ông?
+Tiến sĩ Bùi Duy Tùng: Xét về tính hiệu quả của chính sách này, tôi cho rằng Thái Lan đối mặt với nhiều thách thức kinh tế khác như bất bình đẳng thu nhập kéo dài, dân số già hóa, vấn đề ô nhiễm không khí và hệ thống giáo dục đang suy giảm.
Những vấn đề này, kết hợp với tác động không đồng đều của đại dịch COVID-19 lên lao động phi chính thức và các gia đình thu nhập thấp, đặt ra câu hỏi: Liệu chương trình kích cầu tiền mặt có đủ khả năng giải quyết các thách thức xã hội và kinh tế sâu sắc mà Thái Lan đang gặp phải hay không.
Còn ở Trung Quốc, mặc dù việc phát tiền mặt mang lại lợi ích cứu trợ ngay lập tức, nhưng nó không giải quyết được các thách thức kinh tế lớn hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vốn đang gặp phải vấn đề bong bóng giá cả.
Các vấn đề cơ cấu khác như đầu tư tư nhân yếu và áp lực giảm phát vẫn tồn tại. Mặc dù chương trình này có thể tạm thời kích thích nhu cầu, nhưng quy mô của khoản phát tiền một lần có thể không đủ để đảo ngược những vấn đề sâu xa hơn.
.Phóng viên: Tình hình tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn chưa mạnh mẽ, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, điều này đã ảnh hưởng đến sức phát triển kinh tế. Ông có cho rằng Việt Nam nên áp dụng chính sách phát tiền trực tiếp, hay áp dụng giải pháp khác hiệu quả hơn?
+Tiến sĩ Bùi Duy Tùng: Với điều kiện kinh tế hiện tại của Việt Nam, việc triển khai một gói kích thích tiền mặt tương tự như những gói đã thấy ở Thái Lan và Trung Quốc có thể không phải là phương án phù hợp nhất.
Mặc dù các biện pháp như vậy có thể thúc đẩy tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng thực tế về cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam cho thấy các chiến lược thay thế sẽ hiệu quả hơn trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 3,5-4% vào cuối năm 2024, phản ánh áp lực liên tục từ chi phí tăng trong các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và điện.
Một gói kích thích tiền mặt sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng ngay lập tức, làm tăng cầu hàng hóa, gia tăng áp lực lên giá cả và có khả năng đẩy lạm phát vượt quá phạm vi chấp nhận được.
Điều này đặc biệt rủi ro khi nền kinh tế đang phải vật lộn với tình trạng tăng chi phí trong các lĩnh vực chính. Không giống như các nền kinh tế chịu áp lực giảm phát nghiêm trọng như Trung Quốc, nơi tiền mặt được phát có thể chống lại tình trạng trì trệ kinh tế, Việt Nam đang trải qua quá trình phục hồi ổn định, mặc dù chậm.
Do đó, việc tăng thêm áp lực từ phía cầu chỉ có thể làm lạm phát tồi tệ hơn mà không mang lại lợi ích đáng kể trong dài hạn.
Một gói kích thích tiền mặt có thể tạm thời thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng có nguy cơ các hộ gia đình có thể chọn tiết kiệm thu nhập thêm thay vì chi tiêu.
Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về cấu trúc dài hạn mà một khoản tiền mặt nhất thời sẽ không thể giải quyết được. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng, giáo dục và chuyển đổi số là điều cần thiết để đất nước tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh.
Trong khi ngành bán lẻ của Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng vẫn chậm chạp so với mức trước đại dịch. Một gói kích thích tiền mặt có thể tạm thời thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng có nguy cơ các hộ gia đình có thể chọn tiết kiệm thu nhập thêm thay vì chi tiêu, đặc biệt là khi đối mặt với tình hình kinh tế bất ổn. Đây là mối quan ngại ở một số quốc gia đã triển khai các chương trình kích thích tiền mặt trong đại dịch COVID-19.
Thay vì phát tiền trực tiếp cho người dân, Việt Nam có thể tập trung vào hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho các ngành và lĩnh vực trọng yếu, chẳng hạn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), du lịch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các ngành xuất khẩu.
Giải pháp bền vững
.Phóng viên: Liệu Việt Nam có đủ ngân sách để thực thi chiến lược này?
+Tiến sĩ Bùi Duy Tùng: Việt Nam đã cố gắng duy trì vị thế tài khóa tương đối mạnh với nợ công vào khoảng 40% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% của chính phủ. Thâm hụt tài khóa cũng được kiểm soát, với việc Chính phủ cố gắng giữ thâm hụt dưới 4% GDP, ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn như đại dịch.
Việc đưa ra một gói kích thích tiền mặt quy mô lớn sẽ gây áp lực đáng kể lên cán cân tài khóa này. Mặc dù tình hình tài khóa hiện tại vẫn có chỗ cho việc tăng chi tiêu, nhưng một chương trình kích thích tiền mặt lớn có thể gây rủi ro cho sự ổn định về tài khóa, đặc biệt là khi đầu tư công vào các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng đã là trọng tâm chính của chính sách tài khóa của Việt Nam.
Việt Nam có các kế hoạch đầu tư công đầy tham vọng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe. Các dự án này dự kiến sẽ thúc đẩy năng lực kinh tế theo thời gian.
Duy trì chính sách tiền tệ cân bằng với việc quản lý thận trọng lãi suất sẽ giúp đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc tăng nợ công để tài trợ cho các gói kích thích tiền mặt quy mô lớn có thể gây áp lực lên vấn đề bền vững tài khóa. Nợ nước ngoài vẫn là một rủi ro tiềm ẩn và mặc dù hiện tại có thể quản lý được, nhưng việc tăng thêm nợ thông qua chương trình kích thích tiền mặt có thể làm tăng chi phí trả nợ, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và lãi suất cao.
.Phóng viên: Theo ông, thay vì phát tiền trực tiếp cho người dân để kích cầu tiêu dùng, thì Việt Nam nên thực thi chính sách nào cho mục tiêu này?
+Tiến sĩ Bùi Duy Tùng: Thay vì phát tiền mặt, chính phủ có thể tập trung vào hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho các ngành và lĩnh vực trọng yếu, như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), du lịch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các ngành xuất khẩu. Giảm thuế hoặc trợ cấp trong các lĩnh vực này có thể thúc đẩy đầu tư và tăng năng suất, tạo ra sự phục hồi bền vững hơn.
Đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng và chuyển đổi số, có thể kích thích tăng trưởng dài hạn. Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Duy trì chính sách tiền tệ cân bằng với việc quản lý thận trọng lãi suất sẽ giúp đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Một khi lạm phát được kiểm soát, việc tạo không gian cho các doanh nghiệp hấp thụ vốn mà không tăng đáng kể lãi suất có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Chính phủ Thái Lan đã thông qua chương trình phát 10.000 baht, tương đương 300 USD cho người nghèo và người gặp khó khăn. Chủ trương này nhằm thúc đẩy tiêu dùng, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm. Trong giai đoạn đầu, mọi người sẽ nhận được tiền qua tài khoản ngân hàng của họ cũng như bằng tiền mặt. Chính phủ Thái Lan cho biết những người khuyết tật và người có thẻ phúc lợi là những người bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Số tiền sẽ được phát thành nhiều đợt, trong đợt đầu tiên, khoảng 14,5 triệu người sẽ được nhận tiền. Ngoài ra, khoảng 21,5 triệu người khác cũng đăng ký chương trình này. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thay vì hỗ trợ tiền mặt cho người dân như Thái Lan, Malaysia, Philippines để kích thích tiêu dùng, đại diện Tập đoàn TTC đề xuất xem xét việc cung cấp...