Thất nghiệp do Covid-19, giám đốc lương 40 triệu chuyển hướng bất ngờ
Giữa năm 2020, doanh thu công ty về mức “0 đồng”, anh Phạm Văn Đông từ một giám đốc có thu nhập xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng đã buộc phải nghỉ việc. Anh Đông ở nhà ròng rã nửa năm sau đó phải làm đủ mọi công việc để kiếm sống. Cuối cùng, anh chọn nghề bán vịt quay, mỗi ngày thu lãi 300.000 đồng.
Anh Phạm Văn Đông (SN 1984) quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình từng làm việc cho một khu du lịch tâm linh nổi tiếng ở Ninh Bình với mức lương cao. Sau thời gian khoảng 5 năm làm việc, với kinh nghiệm tích lũy được, anh Đông quyết định thôi làm nhân viên, cùng bạn bè thành lập công ty du lịch và sự kiện.
Trong công ty, anh giữ chức vụ giám đốc phụ trách mảng du lịch, đồng thời cũng đại diện cho đại lý ủy quyền của một thương hiệu du lịch nổi tiếng của Việt Nam tại Ninh Bình. Là người nhanh nhẹn, linh hoạt, anh Đông mang về cho công ty nhiều hợp đồng giá trị, đón nhiều đoàn khách “sộp” cả trong nước và quốc tế.
Công việc ngành du lịch – lữ hành tương đối bận rộn. Tuy nhiên, vì đam mê và tạo ra thu nhập ổn định nên anh Đông không ngại khó ngại khổ, có những tour phải đi liên tục trong nhiều ngày anh cũng sẵn sàng nhận và luôn vui vẻ chiều lòng du khách.
Ngày còn làm trong ngành du lich, Anh Đông (thứ 2 từ trái qua phải) đón được nhiều đoàn khách cả trong nước và quốc tế. (Ảnh: FBNV)
Kết hợp với các khoản thu nhập ngoài, vào thời điểm công ty “ăn nên làm ra”, thu nhập của cựu giám đốc dao động khoảng 40 triệu đồng/tháng, đây là mức lương đáng mơ ước với nhiều người đang làm việc ở quê.
Với số lương này, anh Đông trở thành trụ cột chính của gia đình, hàng tháng luôn đảm bảo chăm lo cho bố mẹ và vợ con có cuộc sống tốt. “Hồi đó, tôi không phải lo nghĩ quá nhiều về kinh tế, nhờ thu nhập ổn định, tôi mở rộng mối quan hệ với nhiều bạn bè từ đó lại tạo ra được nhiều tour và nhiều đoàn khách hơn” – Anh Đông nhớ lại.
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Thời gian đầu, công ty của anh vẫn cố gắng duy trì hoạt động nhưng doanh thu sụt giảm rõ rệt, thậm chí nhiều tháng còn không bóng khách.
Đến khoảng giữa năm 2020, thu nhập của công ty quay đầu về mức "0 đồng" khi ngành du lịch gần như bị "đóng băng" vì Covid-19. Từ đó, công ty tạm dừng hoạt động mảng du lịch lữ hành và anh Đông… thất nghiệp.
“Lúc nghỉ việc ở nhà tôi thấy buồn kinh khủng, đó là cảm giác không dễ dàng lắm khi chứng kiến công ty của mình đóng cửa. Nhưng bản thân tôi thời điểm đó vẫn còn nhiều kỳ vọng trở lại với nghề, tôi nghĩ sẽ chỉ phải tạm nghỉ vài tháng sau đó dịch sẽ ổn định hơn” – Anh Đông chia sẻ.
Sau hơn 5 tháng ở nhà, dịch Covid-19 vẫn không có chuyển biến tích cực, anh Đông buộc phải chấp nhận sự thật và đi tìm kiếm những công việc mới, cơ hội mới. Anh được nhận vào làm lễ tân cho khách sạn 2 sao ở Ninh Bình với mức lương từ 6-8 triệu đồng. Số tiền lương tuy ít hơn trước nhưng cũng đủ để trang trải.
Quầy hàng đơn giản bên vệ đường nhưng là nơi giúp anh Đông thoát khỏi cảnh thất nghiệp, có thu nhập ổn định.
Làm lễ tân ít lâu, đến đầu năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, các khách sạn nhỏ cũng phải đóng cửa để phòng chống dịch. Thêm một lần nữa anh Đông rơi vào cảnh thất nghiệp. “Ngành du lịch có lẽ không “độ” cho tôi” – Anh Đông nửa đùa, nửa thật.
Về nhà, anh phụ giúp gia đình bán hàng nông sản quê. Nhưng là một trụ cột gia đình lại là người "sức dài vai rộng", anh không ngồi yên chấp nhận số phận. Vẫn giữ tinh thần không ngại khó, ngại khổ của một người làm ngành du lịch lữ hành, anh Đông nảy ra nhiều ý tưởng mới lạ và luôn sẵn sàng khởi nghiệp. Nhưng cứ thử, rồi lại thất bại vì dịch Covid-19 vẫn chưa chịu “nằm yên”.
Cùng thời điểm đó, cơ duyên đưa anh gặp lại một người quen cũ là anh Phạm Ngọc (Sinh năm 1986) ở TP Ninh Bình. Anh Ngọc có hơn 10 năm kinh nghiệm làm đầu bếp với mức thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng nhưng cũng đang thất nghiệp vì ảnh hưởng của Covid-19. Hai người sau một buổi nói chuyện đã quyết định cùng nhau hùn vốn, hùn sức bán… vịt quay.
Mỗi ngày, anh phải thức dậy từ 5h30 để đi chợ mua thực phẩm, gia vị về sơ chế, ướp tẩm, chiều đến quay vịt bán cho khách đến 20h tối mới được về.
Nói rồi bắt tay vào làm luôn, anh Đông mua lại một dàn quay vịt cũ và dụng cụ bếp, mở quầy hàng khá đơn giản. Mỗi ngày, hai anh thức dậy từ 5h30 để đi chợ mua thực phẩm, gia vị, rau thơm… Sau đó về nhà sơ chế, tẩm ướp sẵn để buổi chiều có nguyên liệu quay, nướng bán cho khách.
Cứ khoảng 16h30, cả hai cùng đẩy chiếc lò quay ra nhóm lửa bán hàng. Công việc thường kết thúc lúc 20h. Ngoài ra anh Đông cũng lập riêng một trang Facebook để kết hợp bán hàng online. Trung bình mỗi ngày bán được khoảng 10 con vịt, 2kg thịt lợn nướng, 2 chiếc chân giò lợn quay…
“Có hôm vịt ế thì tối muộn mới về. Ngày bán được nhiều bù cho ngày bán được ít. Mỗi ngày, trừ hết chi phí mỗi người cũng có được 300.000 đồng. Vậy là thu nhập cũng tốt rồi", anh Đông vui vẻ chia sẻ.
Từ ngày gắn bó với nghề bán vịt quay, anh Đông bảo tuy vất vả nhưng cũng nhận được nhiều niềm vui mới. Ít nhất anh vẫn có thể tự nuôi sống bản thân và một phần chăm sóc cho gia đình, anh tìm thấy động lực mỗi ngày thức dậy để đi đâu, làm gì chứ không như quãng thời gian ở yên một chỗ đợi chờ hết dịch.
Tuy chỉ mới bắt đầu và chỉ là nghề tay trái làm “chống cháy” trong lúc hết dịch nhưng anh Đông và anh Ngọc đều làm việc nghiêm túc, thậm chí kỳ vọng sẽ mở cửa hàng lớn, xây dựng thương hiệu uy tín để bán cho du khách thập phương khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn. “Làm gì cũng được miễn mình đừng nản chí, đừng từ bỏ chịu trận trước hoàn cảnh, sau cùng mọi thứ cũng sẽ ổn hơn thôi” – Anh Đông chia sẻ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Đóng cửa vì dịch Covid-19 nhưng nhiều nhà mặt phố cổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn được rao bán với giá "trên trời".
Nguồn: [Link nguồn]