Thạc sĩ luật bỏ việc văn phòng về làm nông, nay có hợp tác xã thu nhập tiền tỷ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Từ một thạc sĩ luật kinh tế làm việc tại văn phòng, người đàn ông này đã trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

Trầm Minh Thuần (31 tuổi) xuất thân trong gia đình thuần nông tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ luật kinh tế, anh đã có công việc ổn định tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Do ngay từ nhỏ anh đã chứng kiến bố mẹ và họ hàng vất vả trong việc cấy lúa nên anh rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân khi phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng mức thu nhập lại thấp. Tình trạng bị thương lái ép giá khiến anh luôn trăn trở về việc làm thế nào để nông dân có thể tự quyết định giá trị sản phẩm của mình.

Với suy nghĩ đó, anh quyết định bỏ việc và trở về quê khởi nghiệp với cây lúa với mong muốn giúp đỡ bà con nông dân cải thiện thu nhập. “Ban đầu, gia đình tôi không ủng hộ quyết định này nhưng với sự kiên định và đam mê của mình, tôi cũng đã đã thuyết phục được mọi người. Tôi quyết định từ bỏ công việc văn phòng về khởi nghiệp”, anh nói.

Anh Thuần quyết định từ bỏ công việc văn phòng về quê thành lập hợp tác xã kiểu mới.

Anh Thuần quyết định từ bỏ công việc văn phòng về quê thành lập hợp tác xã kiểu mới.

Anh luôn suy nghĩ để người dân không gặp cảnh bị thương lái ép giá thì chỉ còn cách làm việc có tổ chức. Vì vậy, năm 2018, anh quyết định thành lập hợp tác xã kiểu mới. Anh đã nhờ người thân, cán bộ xã vận động người dân tham gia.

Tuy nhiên, người dân không có nhiều niềm tin vào hợp tác xã nên vận động rất khó khăn. “Bởi họ từng chứng kiến rất nhiều hợp tác xã làm ăn thua lỗ phải giải tán rồi”, anh tâm sự.

Chưa kể, anh còn là một thạc sĩ chuyên ngành luật, không liên quan đến nông nghiệp nên không ít người dân vẫn chưa đủ niềm tin để tham gia. Nhưng với sự cố gắng và quyết tâm, cuối cùng, anh cũng đã thuyết phục, đưa ra các quyền lợi nên nhiều nông dân đổi ý, tham gia hợp tác xã.

Mục tiêu của hợp tác xã là tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm lúa gạo, bao gồm việc mua lúa giống, phân bón với giá thấp hơn thị trường, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, xã viên không chỉ giảm chi phí đầu vào mà còn yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Ban đầu, hợp tác xã có 51 thành viên và vốn điều lệ 700 triệu đồng, sản xuất trên diện tích 50ha. Sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã đã tăng lên 72 xã viên, mở rộng sản xuất lên 220ha. Đặc biệt, trong đó có 20ha đất được sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp tác xã đã tuyển dụng nhân sự có chuyên môn và tận dụng các mối quan hệ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bản thân anh cũng chủ động đem gạo đi giới thiệu khắp nơi từ hội chợ, hội thảo đến các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch. Anh còn bán thóc cho thương lái và các công ty xuất khẩu.

Nay, hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu gạo riêng, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Nay, hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu gạo riêng, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Khi có đối tác, anh quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo riêng cho mình. Hiện, thương hiệu gạo của hợp tác xã đã có chỗ đứng riêng trên thị trường và đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm nay, hợp tác xã mang lại lợi nhuận khoảng 1,4 tỷ đồng, còn năm 2023 cũng đạt lợi nhuận là 1,1 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, hợp tác xã đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ địa phương, như 3 tỷ đồng để đầu tư kho chứa lúa và 600 triệu đồng để xây dựng trụ sở. Những chính sách này giúp hợp tác xã phát triển bền vững và mở rộng quy mô sản xuất.

“Tôi đang lên kế hoạch mua sắm máy bay không người lái để phun thuốc và bón phân, đồng thời dự kiến tăng diện tích trồng lúa thêm 30% trong giai đoạn tới. Với hướng phát triển này, tôi tin rằng mô hình hợp tác xã sẽ mang lại lợi ích cho nhiều nông dân hơn”, anh chia sẻ.

Trong tương lai, anh Thuần cho biết hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lúa gạo sạch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Anh và đội ngũ của mình đã có nhiều kế hoạch chi tiết để phát triển, từ việc gia tăng sản lượng đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm nông nghiệp Trà Vinh trên thị trường.

Thời điểm đầu không có quá nhiều vốn, cô gái trẻ đã tận dụng 2 chiếc nồi áp suất cũ và sử dụng lá cây mọc hoang ở vườn của gia đình để làm các những sản phẩm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thơm ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN