Thạc sĩ bị chê “khùng” vì bỏ phố về quê, nay thu nhập hàng chục tỷ
Từng tốt nghiệp đại học hàng đầu, du học nước ngoài, cô gái trẻ này khiến nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp
Thạch Yên vốn là một thạc sĩ tốt nghiệp từ Thanh Hoa - trường đại học top đầu ở Trung Quốc. Cô nàng là dân thành thị chính gốc nên trước khi lên đại học, Thạch Yên chưa từng được đặt chân về vùng nông thôn. Cô chỉ biết đến các vùng quê qua những câu chuyện kể thú vị của bố mẹ. Chính niềm yêu thích đặc biệt với nông thôn đã khiến cô nàng quyết định chọn Đại học Nông nghiệp Hà Bắc, với chuyên ngành là nghiên cứu và kiến thức cây trồng.
Tại trường đại học, Thạch yên may mắn được gặp gỡ giáo viên hướng dẫn Ôn Thiết Sinh - chuyên gia về “tam nông” (khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Dưới sự dẫn dắt của thầy giáo, Thạch Yên đã được “chu du” hơn 70 thôn làng ở Trung Quốc và dần hiểu rõ hiện trạng của nông thôn nước này. Sau đó, cô nàng đã quyết định học lên thạc sĩ ở Thanh Hoa, sau đó sang Mỹ du học.
Nhờ vậy, cô nàng học được 1 mô hình vận hành nông trại mới ở Mỹ - CSA. Mô hình này nhấn mạnh tính hữu cơ và bảo vệ môi trường, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… hay tất cả các loại thuốc có hại đến sự phát triển bình thường của cây trồng. Cô nàng cũng được tiếp xúc với những nông cụ và các loại cây trồng mới lạ.
Sau khi về nước, Thạch Yên đã mở nông trại theo mô hình CSA đầu tiên ở Trung Quốc. Quyết định bỏ “mác” thành thị và trở thành nông dân chính hiệu của cô nàng khiến gia đình, bạn bè cảm thấy vô cùng khó hiểu. Các nông dân địa phương cũng cho rằng cô “dở dở ương ương” nên mới chọn nghề nông cực nhọc. Điều may mắn là bạn trai cô nàng luôn ở bên ủng hộ, thậm chí từ bỏ luôn công việc ổn định ở thành phố để về làng sống.
Dần dần, mô hình CSA của Thạch Yên đã bắt đầu được nông dân đón nhận.
Với mô hình này, người tiêu dùng sẽ trả tiền trước cho nông dân để họ yên tâm trồng trọt trong vòng 1 năm sau đó. Đồng thời, Thạch Yên cũng nhấn mạnh việc giảm các loại thuốc hóa học để giảm thiểu ô nhiễm đất.
Nông trại của nàng thạc sĩ trẻ còn nuôi thêm heo, phân heo được dùng làm chất bón cho cây trồng. Thành phẩm hữu cơ rất chất lượng, tuy nhiên hình dáng lại không được đẹp mắt, giá cao nên người tiêu dùng không lựa chọn. Tuy nhiên Thạch Yên cho rằng, để thay đổi những quan niệm trồng trọt cũ cần phải có thời gian, điều quan trọng nhất là phải nhẫn nại. Và quả thực đúng như cô nàng nhận định, số thành viên của nông trại CSA đã tăng vọt, từ 50 khách ban đầu nay đã tăng lên tới hơn 1.000 người, thu nhập hàng năm vượt hơn 8 triệu NDT (khoảng 27,2 tỷ đồng).
Nguồn: [Link nguồn]
Có một số ngành sản sinh nhiều tỷ phú hơn so với các ngành còn lại.