Tết không phải là dịp để tiết kiệm tiền bạc?
Dù một năm kinh tế không mấy tươi sáng với nhiều người, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn luôn xem Tết nguyên đán là dịp không phải để tiết kiệm tiền bạc.
Ngô Huyền Thương (27 tuổi, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, Tết đến xuân về rất nhiều công việc, nhưng không có quá nhiều áp lực đối với việc chi tiền để tiêu dịp Tết.
Theo Huyền Thương, "Tết nguyên đán năm nào cũng vậy và em đã dự trù, cân đối các khoản chi tiêu từ trước để chuẩn bị cho một cái Tết không có quá nhiều áp lực về tài chính. Thậm chí, em sẵn sàng sử dụng thẻ tín dụng nếu như mức chi dịp Tết vượt dự kiến so với mức ban đầu."
"Với kế hoạch tiêu khoảng 25 triệu đồng cho dịp Tết năm nay. Sắp tới, công ty em cũng sẽ chuyển khoản lương và thưởng, nên em nghĩ số tiền này là quá đủ để gia đình yên tâm ăn Tết tại quê nhà Hà Tĩnh", Huyền Thương nói.
Năm nay, do kinh tế khó khăn, Huyền Thương không muốn sắm nhiều áo quần, dày dép để đi chơi mà chỉ mua sắm online một số đồ dùng thiết yếu, quà tặng mang về gia đình.
Ngoài ra, Thương cũng có kế hoạch sử dụng một khoản tiền để giúp đỡ họ hàng, những người thất nghiệp hoặc công việc không ổn định trong năm nay. Thương nói: "Có nhiều bạn bè anh em họ hàng ở xa không đủ tiền về đón năm mới với gia đình, nên em cũng đã chi một khoản tích góp dịp trước Tết để gắn kết yêu thương với những người thân, giúp họ mua vé xe, hay hỗ trợ một phần vé tàu xe, máy bay đi lại…
Đối với em, Tết không nên là dịp để tiết kiệm. Chúng ta có thể mua sắm nhiều một chút để giúp những người bán hàng có thêm thu nhập. Cả năm, tiết kiệm lúc nào cũng được, nhưng Tết thì nên chi tiêu thoải mái hơn một chút, có vậy năm mới mới may mắn, nhiều niềm vui".
Tết không phải dịp để tiết kiệm
Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1982, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho rằng, Tết nguyên đán là dịp để gặp gỡ đoàn tụ và chia sẻ, nên đây không phải là dịp để tiết kiệm tiền bạc.
Năm 2022 vừa đi qua, thu nhập của cán bộ một công ty chứng khoán giảm đáng rất kể do tình hình tài chính khó khăn chung, việc tính toán khoản chi tiêu cho dịp Tết nguyên đán khoảng hơn 40 triệu đồng đã trở thành áp lực không nhỏ với anh Hùng.
Tuy vậy, anh cho biết sẽ cân đối tài chính, ưu tiên tiền tiêu Tết hơn so với các nhu cầu còn lại trong giai đoạn này, gia đình anh có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con, nên khoản chi này cũng là vừa đủ, nếu thiếu sẽ trích từ quỹ dự phòng của gia đình ra dùng.
Đợt Tết nguyên đán 2023, anh Hùng dự định dành tiền mua quà biếu bố mẹ gia đình 2 bên, lì xì người thân và chuẩn bị các đồ ăn, bánh kẹo cho gia đình. Với Hùng, Tết không phải dịp để tính toán quá nhiều về chuyện tiền nong. Trải qua 1 năm thị trường chứng khoán lao dốc, anh Hùng chỉ mong gia đình luôn có sức khỏe và nhiều niềm vui đối với bản thân anh.
"Qua những biến cố, tôi chỉ thấy áp lực nếu như các thành viên trong gia đình mình gặp vấn đề về sức khỏe. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi tin tất cả còn kiếm được tiền", anh Hùng nói.
Với tâm trạng háo hức, Mai Bảo Trâm (25 tuổi, Hà Nam) đang mong ngóng Tết từng ngày. Nữ nhân viên văn phòng này cho biết, đây là dịp để nghỉ ngơi sau một năm làm việc, cũng là dịp để gia đình sum vầy, bạn bè gặp mặt.
“Em đã đi làm được 3 năm cho một công ty truyền thông ở quận Đống Đa, Hà Nội. Thu nhập cũng khá ổn, mỗi tháng em tiết kiệm 1/2 số tiền kiếm được. Việc tiết kiệm không chỉ để chi tiêu cho dịp Tết nguyên đán mà cho quanh năm, nếu có công việc cần thì lấy khoản đó ra dùng" – Trâm cho biết.
Nữ nhân viên văn phòng này nhẩm tính số tiền chi tiêu trong dịp Tết này khoảng 20 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng để đi du lịch, còn 10 triệu sẽ lì xì bố mẹ và mua sắm cho bản thân.
"Tuỳ thu nhập mỗi năm sẽ tiêu nhiều hay tiêu ít. Tiêu vào những khoản bản thân thấy hợp lí trong khả năng tài chính chứ không nên vung tay quá trán rồi thành con nợ lúc nào không hay" – Bảo Trâm nói.
Từ năm ba đại học ở nước ngoài, ông bắt đầu bán hàng, sau đó là mở nhà hàng.
Nguồn: [Link nguồn]