Temu đang "sốt xình xịch" toàn thế giới, một nước ở Đông Nam Á mạnh tay cấm, các quốc gia tìm cách đối phó

Sự kiện: Temu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Temu đã phát triển nhanh chóng, khiến nhiều quốc gia phải cân nhắc lại mô hình kinh doanh giá rẻ của công ty này.

Indonesia chặn Temu

Vài ngày trở lại đây, Temu là cái tên vô cùng "hot" trên mạng xã hội Việt Nam. Đây là một trang thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc PDD Holdings, ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2022 và sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Giống như các đối thủ, Temu bán mọi thứ trên đời, từ đồng hồ, túi xách, đồ điện tử đến những thứ nhỏ nhất như hoa tai, tất chân, dây thun... với giá cực kì rẻ. Đánh vào mức giá rẻ, Temu đã gây "sốt" trên toàn thế giới, và cũng đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam.

Indonesia tuyên bố cấm Temu 

Indonesia tuyên bố cấm Temu 

Thế nhưng mới đây, tại Indonesia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Budi Arie Setiadi đã yêu cầu Alphabet (công ty mẹ Google) và Apple chặn Temu trên các cửa hàng ứng dụng tại Indonesia, mặc dù chính quyền vẫn chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này.

Theo lời Bộ trưởng Budi Arie Setiadi trong cuộc phỏng vấn với Reuters, động thái này được thực hiện để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước khỏi sự cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ của Temu.

Temu đã phát triển nhanh chóng, khiến nhiều quốc gia phải cân nhắc lại mô hình kinh doanh giá rẻ của công ty khi vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến tay người dùng.

Bộ trưởng Budi nhấn mạnh rằng mô hình kinh doanh của Temu, kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy tại Trung Quốc để giảm giá thành đáng kể, tạo ra "sự cạnh tranh không lành mạnh."

"Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà là bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hàng triệu doanh nghiệp cần được bảo vệ," ông Budi nói.

Ông cũng cho biết Jakarta sẽ ngăn chặn mọi khoản đầu tư của Temu vào thị trường thương mại điện tử địa phương nếu công ty này có ý định thực hiện. Bộ trưởng Budi còn cho biết chính phủ Indonesia dự kiến sẽ thực hiện biện pháp tương tự đối với Shein, một trang thương mại điện tử giá rẻ khác của Trung Quốc.

Temu, Apple và Google đều chưa phản hồi trước yêu cầu bình luận. Trong khi đó, người phát ngôn của Shein cho biết họ không có hoạt động nào tại Indonesia.

Năm ngoái, Indonesia đã yêu cầu TikTok, nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc do ByteDance sở hữu, đóng cửa mảng thương mại điện tử để bảo vệ dữ liệu người dùng và các doanh nghiệp trong nước. Vài tháng sau đó, TikTok đồng ý mua phần lớn cổ phần trong đơn vị thương mại điện tử của GoTo, tập đoàn công nghệ Indonesia, để tiếp tục hoạt động tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á này.

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings (quỹ đầu tư quốc gia Singapore) và công ty tư vấn Bain & Co., ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến sẽ đạt 160 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh từ mức 62 tỷ USD của năm 2023.

Các nước trên thế giới đối phó với Temu như thế nào?

Theo các chuyên gia, việc Temu thâm nhập thị trường bán lẻ các nước sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh xuyên biên giới, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến. Vì thế, rất nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với gã khổng lồ thương mại điện tử này.

Ở Khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là thị trường thứ ba Temu thâm nhập ở Đông Nam Á, sau khi đã hiện diện tại Philippines và Malaysia. Ngay từ khi xuất hiện, một làn sóng phản đối Temu đến từ các doanh nghiệp bán lẻ và cả khách hàng đã nổ ra ở quốc gia này. Nhiều người kêu gọi cấm Temu vì lo ngại rằng sản phẩm giá rẻ Trung Quốc tràn vào có thể tàn phá chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của đất nước. Hồi tháng 8 vừa qua, sau 1 tháng Temu vào Thái Lan, Cục Thuế và Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số (DES) đã được chỉ đạo giám sát để đảm bảo nhà bán lẻ trực tuyến này tuân thủ luật pháp Thái Lan và nộp thuế nộp thuế đầy đủ.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đề xuất các biện pháp để đối phó với "cơn lốc" Temu

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đề xuất các biện pháp để đối phó với "cơn lốc" Temu

Tại châu Âu, Temu cũng vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý. Để bảo vệ các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa trong khối Liên minh châu Âu (EU) trước sự cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, EU đang cân nhắc loại bỏ việc miễn trừ thuế quan áp dụng cho các bưu kiện thương mại điện tử có giá trị dưới 150 Euro, tương đương 4,1 triệu đồng, được gửi từ bên ngoài Liên minh châu Âu EU. EU cũng yêu cầu Temu công khai nhiều thông tin hơn về cách thức hoạt động và nỗ lực bảo vệ khách hàng trước hàng giả và kém chất lượng.

Tại Mỹ, việc Temu "lách" luật, sử dụng lỗ hổng thuế nhập khẩu - được gọi là "de minimis" - để tuồn hàng giá rẻ vào đất nước đã khiến các nhà lập pháp phải xem xét đến việc sửa luật. Hiện nước này đang miễn thuế và kiểm tra với các kiện hàng nhập khẩu giá trị dưới 800 USD. Kể từ khi các trang thương mại điện tử giá rẻ như Temu và Shein đổ bộ, lượng lô hàng dưới 800 USD đã tăng vọt. Năm ngoái, hơn 1 tỷ gói hàng đã được vận chuyển đến Hoa Kỳ so với 140 triệu gói hàng của một thập kỷ trước.

Theo các quan chức Nhà Trắng, sản phẩm lọt qua kẽ hở này làm suy yếu người lao động, nhà bán lẻ và nhà sản xuất của Mỹ, đồng thời khiến các quan chức chính phủ khó đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm và tuân thủ mọi quy tắc về sức khỏe, an toàn, sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bằng giá rẻ, Temu thuyết phục người dùng với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú", nhưng ngược lại, cách này có thể sẽ nuốt chửng các doanh nghiệp Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Temu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN