"Tây" mưu sinh trên đường phố Sài Gòn mùa dịch COVID-19
Thời gian qua, nhiều người nước ngoài đến du lịch, làm việc tại Việt Nam đã bị kẹt lại không thể trở về nước khi dịch COVID-19 xảy ra. Khi số tiền mang theo đã hết, họ đã tìm việc để mưu sinh, dành dụm để có tiền về nước…
Mấy tháng nay, tại khu vực bãi gửi xe ở các góc đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khắc Nhu (quận 1, TP Hồ Chí Minh), mọi người có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chàng trai Ấn Độ đang làm công việc nhân viên giữ xe.
Họ là những người qua Việt Nam du lịch rồi do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đã rơi vào tình cảnh vô gia cư, không việc làm. Nhưng sau đó may mắn do một cơ duyên họ đã tìm việc làm giữ xe ở đây.
Ông Jagir Singh là du khách Ấn Độ đến TP Hồ Chí Minh du lịch và mắc kẹt ở đây từ tháng 3/2020. Sau một khoảng thời gian dài không có chuyến bay về Ấn Độ, tiền mang theo cạn dần, không nhà trọ, ông lang thang khắp nơi để kiếm việc làm và may mắn tìm được một chân giữ xe tại một tiệm cà phê nhỏ ở quận 1.
Do không rành tiếng Anh, không biết tiếng Việt, công việc hàng ngày của ông quẩn quanh với việc ghi thẻ xe cho khách, trông giữ xe và được hỗ trợ chỗ ăn, ngủ, chi phí gia hạn Visa… Những lúc rảnh rỗi, ông gọi điện về cho người thân.
“Tôi đến Việt Nam để đi du lịch, nhưng do dịch COVID-19 nên tôi đã bị kẹt ở Việt Nam. Tôi gặp phải vấn đề nghiêm trọng, đó là không còn tiền để mua thức ăn, chi trả cho nơi ở, nên tôi mới đi tìm một công việc để mưu sinh. May mắn tôi tìm được công việc này và ông chủ cũng rất tốt, giúp đỡ tôi về mọi mặt”, anh Jagir Singh cho biết.
Công việc trông giữ xe hàng ngày của anh Jagir Singh, anh Ashok Kumar…
Theo anh Jagir Singh, trước khi qua Việt Nam, anh cũng trong tình trạng thất nghiệp ở Ấn Độ. Khi qua Việt Nam du lịch và do tình hình dịch COVID-19 bị kẹt ở Việt Nam, tình cờ anh biết một công ty ở TP Hồ Chí Minh cần người nên vào tìm kiếm việc làm và may mắn được giúp.
Do bất đồng ngôn ngữ nên thời gian đầu rất khó khăn. Nhưng sau đó dần quen, hiện hàng tháng anh được lãnh lương từ 6-7 triệu đồng. Số tiền đó anh gửi về cho vợ được 3 triệu, còn lại dành để đóng tiền Visa và tiêu xài.
“Ngoài công việc thì tôi cũng rất xúc động vì được ông chủ là anh Trần Thiện Phương cùng mọi người chăm lo, quan tâm, tổ chức sinh nhật. Thật sự tôi không ngờ mình lại được đón sinh nhật tại Việt Nam và trong hoàn cảnh như thế này”, anh Jagir Singh vui vẻ kể lại.
Những du khách người Ấn đã dần quen với việc mưu sinh tại Việt Nam trong thời COVID-19
Anh Jagir Singh cũng nói rằng sau này khi hết dịch bệnh, có điều kiện trở về Ấn Độ thì sau đó anh vẫn muốn quay lại để tiếp tục làm việc tại đây. “Khi nào trở lại Ấn Độ, tôi sẽ kể mọi chuyện tại Việt Nam cho vợ, gia đình và những người bạn của tôi nghe về đất nước Việt Nam và công việc tôi làm. Tôi thấy rất hạnh phúc khi làm việc ở Việt Nam, người Việt Nam đã không kỳ thị, xa lánh mà còn giúp đỡ chúng tôi. Sau này tôi sẽ mời bạn bè của mình qua Việt Nam làm việc chung với tôi”, anh Jagir Singh chia sẻ.
Đồng hương của anh Jagir Singh là anh Ashok Kumar cũng chia sẻ: “Tại Ấn Độ, tôi làm việc tại một công ty thời trang và mỹ phẩm, thể thao. Để mở rộng thị trường, tôi đã sang Việt Nam, nhưng do đại dịch COVID-19, tôi đã bị kẹt ở lại. Tại đây, tôi phải rời khỏi nhà trọ của mình vì hết tiền trả, thẻ ngân hàng thì không sử dụng được nên tôi trở thành người vô gia cư, không việc làm, không có tiền”.
Được ông chủ Phương giúp đỡ, anh Ashok Kumar có việc làm tại bãi giữ xe máy. Với số tiền thu nhập hàng thàng, anh đã có thể trang trải đủ chi phí, đủ tiền gia hạn Visa. Anh Ashok Kumar cũng cho biết anh muốn làm thêm giờ để có thể dành dụm có 20 triệu đồng để sắp tới có tiền trở về Ấn Độ.
“So với các nước khác trên thế giới đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ở Việt Nam, tôi cảm thấy khá an toàn và ở đây tôi cũng có những người bạn tốt bụng và một công việc ổn định. Dù sao, tôi vẫn mong dịch bệnh sẽ mau qua đi để có thể về nhà và chắc chắn sẽ quay lại thăm Việt Nam bởi vì tôi yêu Việt Nam”, anh Ashok Kumar cười tươi nói.
Anh Trần Thiện Phương (người thứ 3 từ trái sang) cùng nhóm người ngoại quốc mà anh cưu mang.
Cùng hoàn cảnh, anh Dehbi Mohamed, quốc tịch Algeria, cũng là du khách đến Việt Nam được 15 tháng. Là một sinh viên đại học ở Algeria, anh Dehbi Mohamed đã phải tạm ngưng học tập do dịch lan rộng, và khi mắc kẹt ở Việt Nam, anh tìm được công việc bảo vệ, trông giữ xe, và mong ước có thể sử dụng vốn tiếng Anh của mình để giảng dạy thêm.
“Công việc ở đây phần nào giúp tôi trang trải cuộc sống. Ở Việt Nam, tôi thấy rất an toàn, các bạn chống dịch rất tốt và cũng rất thân thiện, hiếu khách. Cảm ơn vì đã bao bọc tôi, giúp tôi có thể sống tại một nơi xa lạ lâu như vậy mà không cảm thấy nhớ nhà…
Sinh hoạt vui vẻ hàng ngày của nhóm người ngoại quốc.
Những trường hợp trên đây là một vài người trong số những người nước ngoài đang được một người dân ở TP Hồ Chí Minh cưu mang khi mắc kẹt vì đại dịch COVID-19. Lựa chọn của họ là tiếp tục sinh sống, tìm kiếm những công việc chân tay tạm bợ, miễn sao có thể mưu sinh lương thiện, tiếp tục chờ đợi ngày được trở về.
Và người đàn ông được những người nước ngoài kể trên nhắc tới như ân nhân của mình là anh Trần Thiện Phương, Giám đốc Công ty giữ xe chuyên nghiệp Leosix (TP Hồ Chí Minh). Anh Phương đã giúp đỡ những người bạn nước ngoài này bằng cách nhận họ vào làm việc và trả lương cho họ để có thể trang trải qua mùa dịch.
“Tình cờ, tôi biết được họ là những người nước ngoài đi du lịch và qua Việt Nam làm thầy giáo, đầu bếp…, do tình hình dịch bệnh nên họ bị mất việc làm, bị mắc kẹt ở Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Tôi gọi họ về làm việc cho mình. Dù chỉ trả mức lương thấp - mỗi tháng tùy thuộc vào giờ họ làm việc mà tôi trả mức lương dao động từ 6 - 7 triệu đồng/người, nhưng đủ cho họ có một khoản tiền xoay sở và mong là sớm hết dịch để họ trở về nước”, anh Phương cho hay.
Anh Trần Thiện Phương.
Theo anh Phương thì lúc đầu nhóm người bạn Ấn Độ, Algeria có tổng cộng 6 người, nhưng đã có một hai người về nước. Anh Phương đánh giá rất cao về thái độ làm việc và sự chăm chỉ của nhóm người nước ngoài này. Nhưng điều anh lo lắng lại chính là việc ăn uống của họ, bởi họ có đạo, có người ăn chay, chỉ ăn trứng, sáng sớm hay cả ngày chỉ mì trứng.
Hàng ngày dù có sự bất đồng ngôn ngữ nhưng anh Phương và những người ngoại quốc này luôn cố gắng giao tiếp với nhau. Với họ, sự giúp đỡ của anh Phương - một người Việt Nam - đã cho họ những ngày tháng an toàn ở TP Hồ Chí Minh.
“Tôi muốn sau này khi họ về nước, họ sẽ có ấn tượng tốt đẹp về con người và đất nước Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng”, anh Phương cười tươi cho biết.
Khi Tết Nguyên Đán đã đến gần, "hongbao" - hay còn gọi là bao lì xì – luôn được gửi tặng với những lời chúc...
Nguồn: [Link nguồn]