Taxi giảm 90% lượng khách, tài xế lũ lượt về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng nghìn tài xế taxi đã lũ lượt kéo nhau về quê khi lượng khách giảm 90%, đi làm không đủ chi phí xăng dầu.

Anh Trung Kiên - một tài xế taxi trú tại quận Nam Từ Liêm - cho biết từ sau Tết nguyên đán trở lại đây, lượng khách giảm đi rất nhiều. Do tình hình dịch bệnh, số lượng người di chuyển ít nên hầu hết lái xe về quê, một phần vì không có việc làm, một phần để tránh dịch.

“Trước đây, nếu chịu khó chạy thì mỗi ngày tôi làm được gần 1 triệu đồng. Trừ các chi phí đi, mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Nhưng hiện tại, mỗi ngày tôi làm không để ra nổi 200.000 đồng. Có những ngày chờ 2-3 giờ không có khách đi nên từ đầu tháng đến giờ tôi nghỉ, bạn bè làm taxi cũng kéo nhau về quê hết”, anh Kiên phân tích.

Giảm 90% lượng khách, tài xế taxi chỉ được công ty hỗ trợ chưa đến 10% tiền phí/ tháng.

Giảm 90% lượng khách, tài xế taxi chỉ được công ty hỗ trợ chưa đến 10% tiền phí/ tháng.

Cũng theo anh Kiên, để hỗ trợ lái xe, phía công ty quản lý cũng giảm 200.000 đồng/tháng tiền đàm trong tháng 2 và tháng 3. Con số này là quá ít so với tình hình hiện nay.

“Dù không đi làm ngày nào nhưng mỗi tháng tôi phải nộp về công ty 2,5 triệu đồng tiền đàm. Chưa kể, tôi mua xe của công ty theo hình thức trả góp, mỗi tháng phải nộp 7 triệu tiền xe. Tổng chi phí phải trả cho công ty khoảng 10 triệu đồng. Đi làm thì không có khách, nguy cơ lây nhiễm cao, mà ở nhà thì sốt ruột vì không có tiền đóng tiền công ty hàng tháng. Chưa kể, lượng khách sụt giảm đến 90%, lái xe không có việc làm mà tiền đàm công ty giảm cho chưa đến 10% thì lái xe sống sao nổi”, anh Kiên bức xúc.

Công việc căng thẳng, mệt mỏi mà thu nhập chẳng được là bao, anh Dũng (một lái xe taxi ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) cho biết mình đang rao bán lại xe vì kham không nổi. “Năm ngoái, thấy bạn bè bảo làm taxi được nên tôi bỏ công việc đầu bếp ở nhà hàng với thu nhập 12 triệu đồng/tháng để mua xe làm taxi, không nghĩ là giờ lại khó khăn như thế này”.

Mỗi tháng, tài xế phải đóng hàng chục triệu đồng tiền trả góp và các loại phí mặc dù không có khách để chạy.

Mỗi tháng, tài xế phải đóng hàng chục triệu đồng tiền trả góp và các loại phí mặc dù không có khách để chạy.

Theo anh Dũng, với số tiền 200 triệu tích cóp được, anh đi mua xe của công ty theo hình thức trả góp với khoản nợ 180 triệu. “Mỗi tháng, tiền đàm 1,9 triệu đồng, tiền trả góp 8 triệu đồng, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn… Ít nhất mỗi tháng phải nộp cho công ty 11 triệu đồng. Mà giờ không có khách, mỗi ngày làm 11-12 tiếng thu về được 300-400.000 đồng, trừ chi phí xăng xe, rửa xe thì còn lỗ to”, anh Dũng nói.

“Hội bạn bè làm taxi cùng với tôi họ nghỉ hết, về quê tránh dịch. Về quê không làm ra tiền, hàng ngày nhìn chiếc xe để không ở đó cũng chán lắm nhưng vẫn phải về, vì ở lại cũng có làm được đâu. Dịch bệnh làm ăn khó nên công ty tôi cũng hỗ trợ 200.000 đồng/xe/tháng, nhưng nói thật chả thấm vào đâu", anh Dũng chia sẻ.

Nhiều tài xế phải rao bán xe để chuyển sang nghề khác vì không trụ nổi.

Nhiều tài xế phải rao bán xe để chuyển sang nghề khác vì không trụ nổi.

Không làm taxi truyền thống, trước Tết, anh Khánh, trú tại Định Công (Hà Nội) đánh liều mua chiếc xe Hyundai Grand i10 với giá 430 triệu để làm tài xế taxi công nghệ.

 “Tích cóp mấy năm làm thuê và vay mượn thêm được 230 triệu, trước Tết tôi quyết định mua trả góp để lấy xe đi làm. Gần 2 tháng nay dịch bệnh, nhà có con nhỏ nên tôi không liều để đi làm được. Hiện tại, dù về quê nhưng hàng tháng tôi vẫn phải trả hơn 4 triệu tiền trả góp ôtô, tiền thuê phòng trọ dưới Hà Nội cũng vẫn phải trả mỗi tháng 3 triệu đồng. Chỉ mong hết dịch bệnh để đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, trả nợ và nuôi vợ con, chứ nằm ở nhà một đống thế này thì bế tắc lắm”, anh Khánh nói.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thống kê của các cơ quan, đơn vị liên quan cho thấy trong tháng 2/2020, vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 50 - 60% so với cùng kỳ (ước đạt 3,6 đến 4,58 triệu hành khách). Ảnh hưởng nhiều nhất chính là các loại hình xe hợp đồng với mức giảm lên tới 70 - 80% so với cùng kỳ.

Vào ngày 21/2, Bộ Y Tế đã ban hành khuyến cáo phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đối với những người điều khiển của phương tiện công cộng và sử dụng kết nối như grab, taxi, xe buýt, Go Việt, Bee,… Theo đó, các tài xế đều phải tự trang bị đầy đủ các thiết bị cho bản thân trong suốt quá trình làm việc như cốc nước dùng riêng, khẩu trang, khăn giấy, găng tay, sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn hoặc nước rửa tay khô, quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác…

Các tài xế sau khi kết thúc buổi làm việc thì nên tiến hành vệ sinh dọn rửa, lau chùi các bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa xe, cửa sổ, ghế ngồi, sàn xe, điều hoa xe và các các bề mặt trên phương tiện tham gia giao thông. Tiến hành sát khuẩn, khử trùng không khí trong xe bằng các chất tẩy rửa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch có chứa cồn, xà phòng…

                                                         

         

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh báo u ám về thiệt hại kinh tế do Covid-19

Các chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 9-3 cảnh báo dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất 1.000-2.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN