Tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, nền kinh tế Nga đang ra sao?
Dù đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế, Nga vẫn duy trì được khả năng tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Chính phủ Nga, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mikhail Mishustin, vừa phê duyệt dự thảo ngân sách cho giai đoạn 2025-2027, trong đó chi tiêu quốc phòng dự kiến tăng mạnh lên 13,5 nghìn tỷ rúp (145 tỷ USD) vào năm 2025. Đây là mức tăng 25% so với năm 2024 và chiếm 6,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga. Kể từ khi Nga xung đột với Ukraine vào năm 2022, nền kinh tế nước này đã được điều chỉnh, với mục tiêu gia tăng sản xuất quân sự và vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế.
Chi tiêu quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của chính phủ Nga vào năm 2025, con số này gấp đôi so với mức chi cho các nhu cầu xã hội như lương hưu. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc Nga đẩy mạnh chi tiêu quân sự trong dài hạn có thể khó duy trì, nhất là khi nền kinh tế đang hoạt động hết công suất.
Theo Andrius Tursa, cố vấn khu vực Trung và Đông Âu tại công ty tư vấn Teneo, sự gia tăng chi tiêu quốc phòng và các khoản đầu tư vào chiến tranh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và thiếu hụt lao động trong nước, khi ngày càng nhiều công dân tham gia quân ngũ và số lượng lao động nhập cư giảm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Uralvagonzavod, nhà máy sản xuất xe tăng chính của nước này tại Ural, ở Nizhny Tagil.
Hiện tại, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga là 9,1%, và Ngân hàng Trung ương Nga gần đây đã tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lên mức 19% để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, điều này có thể không đủ để khắc phục những mất cân đối trong cung cầu.
Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 20% trong tháng này, khi chính phủ vẫn ưu tiên ngân sách cho quốc phòng.
Dù đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế, Nga vẫn duy trì được khả năng tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Nga tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa sang các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi giá dầu cao và việc né tránh lệnh trừng phạt giúp nước này duy trì doanh thu xuất khẩu dầu lớn. Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ chiếm 27% tổng thu ngân sách của Nga vào năm 2025.
Mặc dù các nước phương Tây cố gắng cô lập Nga, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng dự báo là 3,2%. Tuy nhiên, các dự báo mới của IMF sẽ sớm được công bố, và có thể điều chỉnh lại mức tăng trưởng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Quốc gia này có nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới dù vẫn nhiều người nghèo.