Tăng lương, gỡ vướng bất động sản

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thực hiện cải cách tiền lương, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản… là những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra ngày 24/10 trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Khơi thông nguồn lực bất động sản

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. “Nói điều này không phải tự khen đất nước mình nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước thì cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của chúng ta và có sự rất chân thành trong trao đổi khi nói về ấn tượng đối với phát triển kinh tế Việt Nam”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia phát biểu tại phiên thảo luận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn, trong đó nhiều công việc cần kíp nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng. “Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, phải nghĩ ngay đến là ủy ban, đến luật pháp, đó mới là tư duy lành mạnh và chúng ta sẽ hướng tới điều đó. Đừng để khi dân khó, dân muốn làm gì thì nghĩ bây giờ gặp ai, nhờ ông nào, ông nói giúp và hiện nay đang rơi vào tình trạng đó”, Chủ tịch nước nói.

Đề cập những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng băn khoăn không rõ cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản “đắp chiếu”. Với Hà Nội, ông cho biết “còn rất nhiều”. Cụ thể, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai, vừa qua thành phố đã rà soát, thu hồi hơn 100 dự án. Theo ông Dũng, bất động sản cả nước có rất nhiều vấn đề đặt ra về pháp lý, và nếu lấy tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ chiếu vào thì sai, nhưng ngày xưa các dự án không đấu thầu, đấu giá. Bây giờ, cứ để dự án ở đó thì lãng phí nguồn lực của xã hội, người dân bức xúc, mà nếu khởi động lại thì cũng lo, không biết tháo gỡ bằng cách nào vì sợ nguy cơ pháp lý.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, chỉ ra một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa tháo gỡ được. “Có những việc mà chúng tôi hỏi mãi không ai trả lời", ông Lưu nói. Để các dự án này “chạy”, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, ông Dũng đặt vấn đề: Phải chăng Quốc hội cho giám sát tổng thể, sau đó cho chủ trương tính đúng, tính đủ theo giá đất hiện nay, dự án nào không có khả năng triển khai tiếp thì thu hồi?

Sớm cải cách tiền lương

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều quan tâm của đại biểu là việc cải cách tiền lương. Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (Đoàn TPHCM) bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chính phủ về tăng lương theo nghị quyết của Trung ương và đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định. Tuy nhiên, bà đề nghị phải thực hiện sớm hơn. Bởi theo chỉ số CPI mà Chính phủ đánh giá với đời sống của người lao động không tương đồng, dẫn đến lương của người lao động không đủ sống. “Lương của cán bộ, công chức TPHCM do có cơ chế đặc thù, cán bộ, công chức có thu nhập tăng thêm nên có thể cầm cự được, thế nhưng những tỉnh, thành, khu vực khác thì khó đảm bảo”, bà Thúy nói.

Nhận định “đây là thời điểm chín muồi để cải cách tiền lương”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư của sự phát triển. Ông Dung cho biết, hiện nay lương kỹ sư mới ra trường chỉ được 3,5 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng. “Thấp vậy các cháu sống làm sao? Chúng ta đặt vấn đề lương đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình họ, có được không”, ông Dung đặt vấn đề.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ, mà còn giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, hệ lụy kép từ tình hình thế giới và trong nước, chúng ta vẫn quyết tâm “thắt lưng buộc bụng”, đến nay đã lo đủ nguồn để phục vụ cho cải cách tiền lương trong 3 năm, từ 2024 đến 2026”, bà Trà cho hay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Như ý.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Như ý.

Lưu ý tăng lương nhưng cần kiểm soát lạm phát, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, mỗi lần tăng lương, kể cả đối với người nghỉ hưu thì đều có tác động tiêu cực về lạm phát, giá cả tăng theo. Bà Mai cho rằng, cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng. “Theo Nghị quyết 27, khi tăng lương thì không còn khoản phụ cấp khác, chúng tôi cho rằng Chính phủ cần lưu ý, khi không còn phụ cấp thì người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng khi thực hiện đề án này. Đi cùng với tăng lương thì phải tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy của chúng ta thực sự có hiệu quả”, bà Mai nói.

Tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa?

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn, trong đó nhiều công việc cần kíp nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng. Với thị trường bất động sản, Chủ tịch nước đặt câu hỏi: “Chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa?”. Hay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém: 10 năm qua vẫn chưa giải quyết triệt để được ngân hàng “0 đồng” nào, dù đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng”.

Lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Chiều 24/10, Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với 44 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sáng 25/10, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và lấy phiếu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều cùng ngày, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

THÀNH NAM

Giá chung cư chạm ngưỡng 200 triệu đồng/m2

Dù thị trường bất động sản chưa hết khó khăn nhưng giá bán chung cư vẫn tăng cả Hà Nội, TP HCM. Thậm chí, có phân khúc chung cư lên đến 200 triệu đồng/m2 trong khi nguồn cung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên - Luân Dũng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN