Tăng giá sách giáo khoa, NXB Giáo dục dự thu thêm 110 tỷ đồng

Năm học mới NXB Giáo dục dự kiến tăng bình quân 1.000-1.600 đồng/quyển sách giáo khoa, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh dù cắt giảm lượng sách giáo khoa xuất bản.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa công bố báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất.

Trong báo cáo lần này, NXB Giáo dục cũng công bố kế hoạch kinh doanh dự kiến trong năm nay với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh bất chấp việc cắt giảm lượng lớn sách giáo khoa sản xuất.

Tăng giá sách giáo khoa, NXB Giáo dục dự thu thêm 110 tỷ đồng - 1

Nhà xuất bản Giáo dục dự kiến lãi lớn dù giảm lượng sách giáo khoa sản xuất

Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, NXB Giáo dục dự kiến sẽ giảm lượng sách giáo khoa sản xuất đi hơn 5 triệu bản. Tuy giảm số lượng nhưng tổng doanh thu dự kiến trong năm nay dự kiến lại tăng 172 tỷ đồng, đạt 1.406 tỷ đồng. Mức doanh thu này tương ứng mức tăng 14% so với năm 2018.

Đặc biệt, trong số 172 tỷ đồng tăng trưởng doanh thu, riêng doanh thu từ sách giáo khoa ước tính sẽ tăng khoảng 110 tỷ đồng và mang về cho đơn vị tổng cộng 844 tỷ đồng doanh thu năm nay.

Năm nay, lợi nhuận trước thuế mà NXB này dự kiến thu về năm nay cũng sẽ tăng 10%, lên trên 141 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến đơn vị đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay chính là phương án điều chỉnh giá bán sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã được thông qua với mức tăng bình quân 1.000-1.600 đồng/quyển.

Ban lãnh đạo NXB giải thích việc phải điều chỉnh giá sách giáo khoa năm nay là bắt buộc để bù đắp một phần chi phí, và giảm bớt lỗ trong khâu xuất bản sách giáo khoa trong 8 năm qua.

Theo phía NXB này, suốt 8 năm gần nhất đơn vị này đã cố gắng sản xuất dưới giá vốn để giữ ổn định giá sách giáo khoa bán ra.

NXB Giáo dục cũng cho biết thêm một phần nguyên nhân tăng giá sách đến từ việc sản xuất sách năm qua gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao 20-25%, cùng với đó là chi phí vận chuyển ở mức cao khiến chi phí sản xuất lớn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về tình hình hoạt động những năm gần đây, NXB Giáo dục cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế xã hội đối với hoạt động xuất bản - in - phát hành sách giáo dục.

Tuy nhiên, trong 3 năm (2016-2018), sản lượng sản xuất sách giáo khoa của đơn vị này vẫn giữ mức tăng liên tục, và đạt tới gần 113,6 triệu bản vào năm 2018. Trong 2 năm trước đó, sản lượng sách sản xuất cũng đều đạt xấp xỉ 108 triệu bản.

Nhờ vậy, kết quả kinh doanh trong 3 năm vừa qua của đơn vị đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Trong đó, doanh thu năm gần nhất của đơn vị này đạt 1.234 tỷ đồng (2018), riêng doanh thu từ sách giáo khoa đóng góp 734 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí hoạt động liên quan, đơn vị này thu về 128,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 15%. Tuy nhiên, số tiền nộp ngân sách trong năm này của NXB Giáo dục lên tới 160 tỷ đồng, gần gấp đôi so với số nộp cùng kỳ.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty ước tính chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách cả nước cách đây hai năm, nhưng con số này liên tiếp giảm và phải "cố gắng giữ vị thế dẫn đầu với 60-70% thị phần".

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm từ 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.

Công ty đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh.

Doanh thu quảng cáo không thể tin nổi của phim ”Về nhà đi con”

Bộ phim Về nhà đi con của Đài truyền hình Việt Nam đang gây "bão" dư luận. Lượng người xem trực tuyến "khủng"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiếu Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN