Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Ai chịu trách nhiệm?

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, 3 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh không báo cáo về các đợt phát hành trái phiếu.

Việc phát hành trái phiếu không giống như những lời hoa mỹ mà doanh nghiệp đưa ra. Ảnh: Như Ý

Việc phát hành trái phiếu không giống như những lời hoa mỹ mà doanh nghiệp đưa ra. Ảnh: Như Ý

Dù các doanh nghiệp (DN) này không phải công ty đại chúng do UBCKNN quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này đã lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá tình hình cũng như có các kiến nghị đúng, kịp thời với Chính phủ.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, qua rà soát hồ sơ tại UBCKNN, các công ty này đều không phải công ty đại chúng. Nhóm công ty này không báo cáo UBCKNN về các đợt phát hành và chỉ đăng ký thông tin qua cổng thông tin trái phiếu DN của Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Trong vụ việc tại Tân Hoàng Minh, liên quan tới quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, lãnh đạo UBCKNN cho biết, sẽ rà soát hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành, báo cáo kiểm toán của các công ty chứng khoán liên quan.

DN phát hành (công ty đại chúng và chưa đại chúng), các tổ chức trung gian (tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, đại lý phát hành...) có hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Về sai phạm của Tân Hoàng Minh, UBCKNN cho biết, với hành vi công bố thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.

Trách nhiệm UBCKNN và các bên liên đới

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng) cho rằng, ở sự việc Tân Hoàng Minh, có 2 góc nhìn về trách nhiệm của UBCKNN.

Theo ông Hiển, về toàn cục, trái phiếu, cổ phiếu đều là chứng khoán và nằm trong phạm vi quản lý của UBCKNN. Hai năm qua, thị trường trái phiếu phát triển tăng vọt về quy mô. Số liệu này phải được UBCKNN báo cáo kịp thời và có cảnh báo, kiến nghị lên Chính phủ về cách xử lý những rủi ro có thể xảy ra.

“Với tư cách là cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán, UBCKNN phải có kiến nghị quyết liệt với Chính phủ. Tuy nhiên, UBCKNN không vào cuộc mạnh mẽ, chỉ đến khi Bộ Tài chính lên tiếng, sự việc mới được đặt đúng tầm quan trọng của nó. Xét về chức năng quản lý chung trong lĩnh vực trái phiếu, dù các công ty này không phải công ty đại chúng do UBCKNN quản lý trực tiếp, nhưng cơ quan này vẫn lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá tình hình, có kiến nghị đúng, kịp thời với Chính phủ”, ông Hiển nói.

Về việc huỷ bỏ 9 lô trái phiếu của các công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, dù còn nhiều tranh cãi, song theo ông Hiển, cần tiếp tục xử lý, chặt đứt quan hệ, lợi dụng làm trái chỉ đạo của Nhà nước trên thị trường vốn. “Nếu như chúng ta không làm mạnh, đến giai đoạn đáo hạn, trường hợp hệ thống DN này không trả được, sẽ làm rối loạn cả hệ thống tiền tệ, như bài học ở Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) hồi năm ngoái”, ông Hiển cho hay.

Theo quy định hiện hành, trái phiếu DN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có nhiều trường hợp nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tư vấn trực tiếp của các nhân viên ngân hàng.

Về trách nhiệm liên đới các ngân hàng, ông Hiển phân tích: Cần làm rõ vai trò của ngân hàng, là bảo lãnh phát hành hay trả nợ. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhà băng có thể đã cố tình làm sai chỉ đạo của NHNN về hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Ông Hiển nói: “Năm 2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản trên 28%, NHNN đã có cảnh bảo, yêu cầu siết lại. Từ đó, NHNN giám sát chặt và đến 2020 chỉ còn 12%. Nếu nhìn tỉ lệ này, dường như các ngân hàng thương mại đang làm tốt chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, riêng DN bất động sản phát hành trái phiếu huy động hơn 200 nghìn tỷ đồng đã tăng gấp 3 lần năm 2020. Bên mua chính là ngân hàng, dường như đã lách chỉ đạo của NHNN. Thay vì cho vay họ lại đầu tư mua trái phiếu”.

Theo ông Hiển, việc bảo lãnh phát hành gần như là cho vay, mặc dù không đưa vốn ra, nhưng nếu cam kết trả nợ thay thì không khác gì đầu tư vào bất động sản. Nhà đầu tư mua trái phiếu lợi suất 12% của các công ty thuộc Tân Hoàng Minh là mua tờ giấy có niềm tin. Các công ty này không có thành tích gì, hoàn toàn có thể phá sản theo luật DN, khi đó rủi ro với nhà đầu tư sẽ rất cao.

TS Lê Đạt Chí, giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM nói: “Trên thị trường, nhiều công ty niêm yết hoạt động theo mô hình tập đoàn, có nhiều tài sản ở công ty con không được kiểm toán. Đây là khe hở cực lớn, khi công ty mẹ đẩy phần vốn ra công ty con. Việc quản lý ở công ty con như thế nào, khi trách nhiệm kiểm toán chỉ được thực hiện ở công ty mẹ. Nếu kiểm toán thêm công ty con thì công việc phát sinh cực lớn, không thể đáp ứng. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay, DN đẩy sự mơ hồ trong báo cáo tài chính sang các công ty con”.

Ông Chí phân tích, trách nhiệm của UBCKNN trong vấn đề này nằm ở việc, họ chỉ nhận báo cáo nhưng không có bộ lọc, tiêu chí, cảnh báo nhà đầu tư. Công ty mẹ đầu tư ra công ty con, chuyển những khoản tiền cực kỳ lớn sang công ty con tạo nên nhiều rủi ro. Để giải bài toán này, ông Chí cho rằng, cần có yêu cầu DN thuyết minh minh bạch các khoản này.

Nguồn: [Link nguồn]

Lô đất ”vàng” cạnh hồ Tây bất ngờ mang tên Tân Hoàng Minh

Khu đất “vàng” đã bỏ không nhiều năm nay nằm cạnh hồ Tây bất ngờ xuất hiện loạt hàng rào mới với bảng hiệu Tân Hoàng Minh Group - Ngọc Linh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Tập đoàn Tân Hoàng Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN