Tân Hoàng Minh trúng thầu lô đất 2 – 12 có diện tích hơn 10 nghìn m2 là 2,4 tỷ đ/m2, cao gấp 8 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau đó đúng một tháng, DN này đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán. Sự việc thu hút sự quan tâm dư luận trong và ngoài nước.
Đầu tháng 12/2021, tại cuộc đấu giá 4 lô đất khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM), Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng cho lô đất 3 – 12, lô đất có diện tích hơn 10 nghìn m2, tạo ra kỷ lục mới với mức giá 2,4 tỷ đ/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm.
Có mặt tại cuộc đấu giá lô đất này, những người chứng kiến đã mô tả đầy ấn tượng rằng, khi giá khởi điểm của lô đất là 2.942 tỷ đồng, Công ty Ngôi Sao Việt bắt đầu nhập cuộc với mức giá 9 nghìn tỷ đồng. Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và đưa ra mức giá.
Qua 70 lượt trả giá từ các bên, ông chủ Tân Hoàng Minh trúng thầu với mức giá 24.500 tỷ đồng, tương đương 2,4 tỷ đ/m2 đất.
Sau phiên đấu giá, chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết mức giá trúng thầu này không chỉ là kỷ lục ở Việt Nam, mà không hề rẻ hơn so với cả các khu vực đắt đỏ nhất thế giới như Phố Đông - Thượng Hải, Mahatan- New York hay The Peak - Hong Kong... "Tôi muốn tất cả tư bản nước ngoài vào đây phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển được", Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết.
Ngay từ khi bắt đầu, diễn biến cho đến khi kết thúc, cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, đặc biệt là lô đất 3 - 12 đã thực sự “gây sốc", thu hút sự quan tâm của dư luận. Hàng trăm lời bàn cãi trên các diễn đàn, thậm chí còn tạo nên một “cơn bão truyền thông” hiếm có trong lịch sử thị trường BĐS nước nhà.
Ông Mai Quốc Bình (CEO Thế Giới Giấy & Sachifarm) cho biết, những ngày qua, từ báo lớn cho tới báo nhỏ, từ báo làng cho tới báo trung ương, từ TP.HCM cho tới Hà Nội, Hongkong, Thượng Hải, New York… đều xôn xao nói, viết về Tân Hoàng Minh.
Mức kỷ lục gần 2,5 tỉ đồng/m2 được thiết lập sau buổi đấu giá tại Thủ Thiêm, đã tác động đến thị trường BĐS, một số khu vực của TP Thủ Đức đã nhanh chóng sôi động và tăng giá bất thường. Không ít vị trí, giá đã tăng gấp cả chục lần, thậm chí phân khúc siêu sang đã tăng 80 - 90% so với đầu năm, tạo ra một mặt bằng giá đất mới khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Chị Đ.T., một nhà đầu tư cho biết, cuối năm 2020 chị mua được căn nhà phố tại Sala với giá 75 tỷ đồng, nhưng thời điểm cuối tháng 12/2021, giá đã lên tới 175 tỷ đồng.
Chị T. cũng cho biết, một người bạn mua căn nhà phố vị trí góc tại dự án Sala đầu năm 2021 có giá khoảng 95 tỷ đồng, nay có giá khoảng 180 tỷ đồng.
Như vậy giá đất tại khu vực Thủ Thiêm thực tế đã tăng 50 - 80% thậm chí 90% so với đầu năm.
Không chỉ giá đất ở khu vực Thủ Thiêm hay các quận trung tâm, giá bất động sản tại TP.HCM đã có sự điều chỉnh về giá trong thời gian qua, đặc biệt là sau vụ đấu giá tỷ đô.
Tại khu vực TP Thủ Đức, những khu đất không có dự án, nhiều chủ nhà cũng tự động tăng giá bán lên 30-50%.
Cùng với giá nhà đất tăng vọt, giá cổ phiếu của các công ty BĐS đã niêm yết cũng tăng chóng mặt sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Các nhà đầu tư cho rằng, với kết quả đấu giá đất tại Thủ Thiêm tới 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ hình thành mặt bằng giá mới cho thị trường BĐS.
Nếu như ngày 1/9, cổ phiếu CEO của C.E.O Group đang giao dịch ở mức 9.300 đồng thì đến chiều 5/2 đã lên tới 85.600 đồng/cổ phiếu, tăng gấp gần 10 lần. Đặc biệt, thị trường chứng kiến cổ phiếu của Tân Hoàng Minh tím lịm suốt nhiều ngày dài.
Trước những tác động đến thị trường sau vụ đấu giá của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, kết quả trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm với mức giá quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại đang gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
"4 lô đất Thủ Thiêm trúng đấu giá thời gian qua là quá cao, có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau", gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại" – ông Châu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA VN, nhận định giá đất xoay quanh khu vực Thủ Thiêm đang tăng lên. Dù chưa biết mức tăng này thực hay ảo, nhưng sẽ tạo tâm lý cho thị trường và có thể lan tỏa đến các khu vực khác. Điều này còn đẩy giá BĐS của VN nói chung và TP.HCM tăng quá cao, cao hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân.
Còn theo ông Bình, khi dựng lên tòa cao ốc sừng sững ở nơi này những thương hiệu đồ xa xỉ nhất thế giới sẽ đổ xô về đó để mở shop vì chưa vào đó thì chưa khẳng định được đẳng cấp của mình. Đồng thời giới siêu giàu cũng sẽ đổ xô về đó mua hàng vì chưa cầm cái bill vài tỷ ở đó thì chưa xứng với vị thế của một “Dân chơi thứ thiệt”.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing), có thể công ty đưa ra mức giá không tưởng để trúng đấu giá đất rồi xin hủy hợp đồng mua bán, chấp nhận mất hơn 588 tỉ đồng đặt cọc với mục đích đẩy giá đất ở các khu vực lân cận lên cao, nhằm bù đắp số tiền đặt cọc đã mất. Còn DN chưa bỏ đặt cọc thì có thể căn cứ vào kết quả trúng đấu giá thế chấp lô đất đó vay NH nhằm có đủ tiền thanh toán cho bên bán.
"Có thể vì thế mà NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại báo cáo quan hệ tín dụng, bảo lãnh dự án, đầu tư trái phiếu… đối với 4 DN đã trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm nhằm kiểm soát và hạn chế dòng tiền dồn vào BĐS, phù hợp với định hướng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tiêu dùng…" - ông Thuận nói.
Sau khoảng 10 ngày phiên đấu giá đất diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã phải vào cuộc. Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương rà soát để kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Phân tích thêm về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc một m2 đất ở Thủ Thiêm có giá 2,4 tỷ đồng, trong khi hạ tầng chưa đồng bộ so với khu vực quận 1 là "bất thường". Giá đất khu vực đường Nguyễn Huệ - theo Bộ trưởng - ở vào khoảng 1-1,5 tỷ đồng/m2.
"Kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", Bộ trưởng Phớc nói.
Ngày 10/1, sau đúng một tháng đấu thầu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.
Với việc "tháo chạy" của Tân Hoàng Minh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc không quá bất ngờ, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN này đồng thời tác động đến thị trường BĐS. TP HCM sẽ gặp khó khăn khi đấu giá các lô đất tiếp theo tại Thủ Thiêm vì nếu đưa ra giá đấu quá cao thì nhà đầu tư sẽ hạn chế tham gia đấu giá.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu, vì mức giá đó là bất hợp lý.
Tương tự, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm với mức cao nhất lên đến 2,43 tỷ đồng một m2, cao hơn gấp 2 lần giá đất tại Đồng Khởi là điều vô lý".
Theo quan điểm của ông Võ, hiện các nhà đầu tư có nhiều "bài vở" trong chuyện tạo sốt đất, không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm mà còn ở cả nước ngoài. Riêng chiêu kích giá đất ở Thủ Thiêm từ vụ đấu giá sẽ gây tác động nhất định đến cả nước.
Đồng quan điểm với ông Võ, một chuyên gia có hơn ba thập kỷ làm việc trong ngành địa chính, đất đai tại TP HCM cho biết, không bất ngờ với việc Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm vì đây là kịch bản đã được lường trước. Bởi lẽ, giá đất trúng đấu giá lập đỉnh 2,43 tỷ đồng một m2 tại Thủ Thiêm đi trước tiến trình phát triển của đô thị này cả thập niên và cao chưa từng có trong lịch sử thị trường Việt Nam. Đây là cú sốc, kích giá đất nhiều nơi leo thang thậm chí sốt ảo.
Trong hoạt động đấu thầu, đấu giá đất, trường hợp bên trúng đấu giá bỏ cọc 20% số tiền đặt trước không phải hiếm. Tuy nhiên, ông cho rằng, đối với Thủ Thiêm vừa qua là điển hình của việc giá đất lập đỉnh lịch sử, việc bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá trở thành "con dao hai lưỡi" làm méo mó thị trường ở nhiều cấp độ.
Đại biểu Quốc hội (QH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề nghị như trên trước việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin hủy hợp đồng trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm.
Theo ông Lê Thanh Vân, có những quy định hiện hành dễ bị lạm dụng như tự do được bỏ thầu. Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đấu giá đất. "Cách đây ít hôm, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong Bộ Luật Hình sự hiện nay có những tội danh liên quan đến BĐS nhưng chưa có tội danh về "lũng đoạn thị trường BĐS". Do đó cần nhận diện vì thực tiễn cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề cần quản lý chặt hơn bởi nó tác động rất lớn đến xã hội, đời sống của nhân dân, tác động đến trật tự xã hội, quản lý của nhà nước và tác động đến một trong những thị trường mạnh nhất của nền kinh tế đó là thị trường BĐS" - ông Lê Thanh Vân nói.