Tấn công di tích, lũ trộm không ngờ "mở lối" cho kho báu khổng lồ
Các nhà khảo cổ Pháp vô cùng kinh ngạc khi phát hiện vụ trộm trước đó đã làm lộ ra 2 kho báu khổng lồ và cả một pháo đài.
Cụ thể, các nhà khảo cổ học cho biết kho báu được phát hiện tại khu định cư thuộc hậu kỳ thời đồ đồng nằm gần hẻm núi Sioule (Gannat, Pháp). Ở đây, họ đã tìm thấy nhiều đồ trang sức, vũ khí và các bộ phận xe ngựa niên đại lên đến 3.000 năm.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Pháp Pierre-Yves Milcent từ đại học Toulouse Jean Jaurès, khu định cư kiên cố rộng khoảng 30 ha với dãy thành lũy kép và những bức tường đá cao 6 m. Nơi đây chôn giấu hàng trăm đồ vật được cho là tồn tại khoảng 800 năm trước Công nguyên trong một nghi lễ tôn giáo.
Địa điểm khai quật. Ảnh: Đại học Toulouse Jean Jaurès
Tiến sĩ Pierre-Yves Milcent cho biết kho báu được tìm thấy tại địa điểm Gannat nằm trên 5 mỏ khác nhau, một trong số đó từng bị kẻ trộm “viếng thăm” vào năm 2017.
Sau đó, các nhà khoa học vẫn quyết định quay lại vào năm 2019 để nghiên cứu khu di tích, với những chiến hào kiên cố dần lộ ra dưới mặt đất. Năm 2020, họ có một khám phá thú vị, dù kẻ trộm đã lấy đi khá nhiều cổ vật nhưng chúng lại vô tình giúp nhóm khảo cổ tiến gần hơn đến 2 kho chứa cổ vật kim loại khác.
Các cổ vật nhóm khảo cổ khai quật được. Ảnh: Đại học Toulouse Jean Jaurès.
Đó là 2 vại gốm lớn hoàn toàn nguyên vẹn bên trong chứa đầy nhẫn, vòng tay, mặt dây chuyền, thắt lưng, dao, lưỡi rìu, liềm, mũi giáo... Dựa vào niên đại, độ tinh xảo và ý nghĩa lịch sử của số cổ vật, có thể coi đó là một trong những kho báu vĩ đại nhất nước Pháp.
Nhà khảo cổ Milcent cho biết, các đồ vật bằng đồng ám chỉ sự sùng bái mặt trời tương tự tín ngưỡng ở Ai Cập. "Việc lựa chọn đồ vật và sắp xếp trong lớp trầm tích tuân theo trật tự nhất định: Vòng tay, kiềng và mặt dây chuyền được đặt ở dưới cùng của vại, lưỡi rìu ở trên cùng. Sự sắp xếp này nhiều khả năng liên quan đến các nghi lễ", Tiến sĩ Milcent giải thích.
Bên cạnh số cổ vật tinh xảo, các chuyên gia còn tìm thấy những viên đá cuội sông được đặt theo thứ tự màu sắc từ trắng đến đỏ. Vì thế họ càng thêm chắc chắn khu vực này có mối liên hệ chặt chẽ với các nghi lễ cổ xưa.
Việc chôn cất hiện vật có lẽ được thực hiện như một nghi lễ nhằm đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, bởi đó không phải một khu chôn cất hay một địa điểm nghi lễ được sử dụng thường xuyên. Có vẻ chủ nhân của pháo đài - trung tâm khu định cư- đã rời đi sau nghi lễ.
Các đồ tạo tác cũng giúp nhóm nghiên cứu hình dung được cuộc sống của những cư dân trong xã hội Celtic khoảng 2.800 năm trước. Trong số hiện vật tìm được có nhiều công cụ quen thuộc liên quan đến nông nghiệp, sản xuất hàng dệt, gốm sứ, luyện kim... và cả những đồ trang sức xa hoa, quý giá khác nhau.
"Tất cả những yếu tố này là bằng chứng về sự tồn tại của một xã hội phức tạp, có thứ bậc - có thể so sánh với các xã hội của người Celt trong thời kỳ đồ sắt. Phát hiện này quả thực vô giá", Tiến sĩ Milcent nhấn mạnh.
Trước đó, chiếc áo cà sa này từng không được ai ngó ngàng vì vẻ ngoài quá cũ nát.
Nguồn: [Link nguồn]