Tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm mạnh sau 2 năm bùng nổ
Sau thời kỳ bùng nổ 2021, 2022, ghi nhận hơn 4,1 triệu tài khoản mở mới qua 2 năm, tới 2023 số lượng này giảm mạnh. Cả năm qua, nhà đầu tư trong nước mở thêm 385.700 tài khoản chứng khoán.
Theo số liệu Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố, năm 2023, nhà đầu tư trong nước mở thêm 385.700 tài khoản chứng khoán.
Riêng tháng 12, nhà đầu tư cá nhân mở mới 155.803 tài khoản chứng khoán, lớn hơn lượng bị đóng lại, là 116.185 tài khoản. Tính hết năm 2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 7,2 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7,2% dân số.
Như vậy, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng trở lại sau khi sụt giảm 2 tháng liên tiếp (tháng 10,11), do ảnh hưởng của hoạt động làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán của cơ quan chức năng hoàn thiện trong tháng 11/2023.
Số liệu kết thúc năm 2023 cho thấy, hơn 7% dân số có tài khoản chứng khoán.
Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài đạt con số 45.384 tài khoản, trong đó tài khoản cá nhân là 40.833 tài khoản và tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 4.551 đơn vị. Tổng số tài khoản giao dịch đến cuối năm 2023 là 7,29 triệu đơn vị. Con số này tăng 39.618 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 11/2023.
Theo quyết định vừa được Chính phủ ban hành, phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Chính phủ đề nghị phải tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu phấn đấu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025m và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030. Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Đây là xu hướng và thông lệ phổ biến trong phát triển thị trường chứng khoán các nước trên thế giới.
Chiến lược đặt mục tiêu hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025, và phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với việc liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, nhiều ngân hàng đang triển khai sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng, giảm rủi ro khi người dùng bị mất tiền oan