Bán hàng online lại nở rộ, không chỉ tiểu thương mà các công ty lớn cũng tham gia và gần như mặt hàng nào cũng có thể đưa lên mạng bán được. Và từ đó, nghề shipper công nghệ ra đời với sự tham gia của từ lao động phổ thông, sinh viên, cho tới cử nhân, thạc sỹ hay công chức.
Nghề shipper
-Làm việc trung bình 8-14 giờ/ngày
-Lương trung bình: 10,1 triệu/tháng
-36,6% lao động có trình độ cao
-Lương cao nhất và tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2022
Mặc đồng phục, đeo túi và găng tay đặc trưng, chàng thanh niên 25 tuổi Huỳnh Hữu Phước tự tin, dõng dạc trao đổi bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy về các chi tiết liên quan đến nguồn gốc vũ trụ, niềm tin và cảm hứng trong sáng tác. Câu chuyện chàng trai trẻ mưu sinh bằng nghề chở hàng đặt cạnh chất lãng mạn, xa hoa của Pháp đã tạo ra một hiệu ứng không ngờ, gây sốt khắp “cõi mạng”, từ Facebook đến Youtube rồi Tiktok…
Trước đó, cộng đồng mạng cũng chia sẻ câu chuyện một shipper đi giao đồ ăn nhưng lại vào giúp khách thiết kế. Hỏi ra mới biết anh shipper này đã có bằng đỏ trường Kiến Trúc và thạc sĩ ngành Thiết kế, giờ anh làm thêm giao hàng để có tiền trang trải cuộc sống trong lúc làm tiến sĩ.
Những câu chuyện như thế khiến nhiều người đặt câu hỏi, không biết còn bao nhiêu những nhân tài ẩn dật, khoác áo đồng phục shipper sớm tối đi khắp các đường lớn, ngõ nhỏ, cặm cụi gom nhặt từng chút tiền lẻ.
Theo báo cáo mới được Viện Khoa học lao động xã hội công bố tỷ lệ shipper có trình độ cao ở Việt Nam hiện lên tới 36,6%.
6 tháng trước Tuấn Kiệt lên mạng hỏi nghề shipper có cần bằng cấp hay kỹ năng gì không, mọi người trả lời em tấm bằng duy nhất cần là bằng lái, sinh viên mới chạy thì được khoảng 3 triệu/tháng.
Và thế là chàng trai 20 tuổi quyết định đăng ký làm tài xế chở hàng. Thời gian đầu, Google Maps là ác mộng của em. App báo quãng đường hơn 1 km nhưng theo chỉ dẫn bản đồ thì em đi lòng vòng rồi lạc, chạy 4-5 km, đến nơi thì giờ đã trễ, đồ ăn cũng nguội. Gọi điện mà khách không nghe máy hay báo thuê là em run bắn, chỉ sợ bị bom hàng như trên mạng.
Mỗi lần mở app như một lần đổ xúc xắc tìm vận may. Có những hôm mới sáng sớm em đã nhận được đơn đi xa, đến nơi lại cũng dễ bắt được đơn về. Thế nhưng có những ngày lang thang từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, mà mãi không bắt được đơn nào, chạy cả ngày cuối tuần không được nổi 100 ngàn. Rồi thì liên tục bị trừ điểm mà không biết làm sao.
“Em đến giờ vẫn còn may là không có gì quá nghiêm trọng như bị bom hàng hay giao nhầm khách. Như bạn em có lần còn bị lừa cả 500 ngàn vì lấy đồ hộ xong họ làm giả tin nhắn báo chuyển khoản thành công.” Kiệt kể.
Đến giờ Kiệt cũng chỉ nói với bố mẹ là em đang làm thêm ở quán cà phê để ở nhà khỏi lo. Em cũng biết tự lượng sức mình, cố gắng đến giờ nhất định là đóng app về.
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều shipper khoe điểm khiến nhiều người phải tròn mắt. Theo đó, có những người khoe lương lên đến 18, 20 triệu, con số nhiều nhân viên văn phòng chưa dám mơ tới.
Theo chia sẻ của một số shipper, con số này phản ánh chưa đầy đủ về thu nhập của họ vì có rất nhiều yếu tố phụ thuộc như làm cho hãng nào, được phân tuyến nào, làm part-time (thường nhận từng đơn, thời gian làm việc tự do và thường là ship đồ ăn) hay làm hub (có lương cứng, nhận nhiều đơn cùng lúc rồi đi trả hàng). Các tài xế kinh nghiệm khác nhau cũng có mức lương khác nhau, chưa kể một số người còn có thể dùng mẹo để lách tăng đơn hàng, tăng điểm thưởng.
Anh Tuyến, một người làm shipper 5 năm nay chia sẻ “Lương trung bình làm part-time hiện nay, ngày chạy hơn 10 tiếng thì khoảng 10-12 triệu/tháng còn những người làm hub cao hơn một chút nhưng cũng có nhiều KPI lắm.”
Hơn nữa thường cư dân mạng mới chỉ nhìn vào con số tiền lương mà chưa tính tới shipper còn phải bỏ ra các chi phí xăng xe, cước điện thoại, hao mòn… Giờ cao điểm, cách khách có 900 mét nhưng mất đến hơn 1 giờ đề giao hàng, phí ship thu về chỉ 14 ngàn. Hay vì mải chạy cho đúng thời gian quy định mà shipper lại vi phạm giao thông, phải nộp phạt.
Rồi thì có những người phải chạy đêm để đạt chỉ tiêu mà chạy đêm thì rất nhiều rủi ro, tài xế phải chịu thiệt thòi khi không may gặp tai nạn, lạm dụng, quấy rối, cướp giật...
Kiệt luôn tranh thủ giao đồ nhưng cứ đến trường là em cởi áo đồng phục, cất trong cốp vì vẫn ngại ánh nhìn của bạn bè. Dù biết một số bạn của mình cũng làm thêm nhưng em biết nhiều khi công việc của mình cũng không được tôn trọng. “Có chủ quán hay to tiếng với shipper. Hay có những hôm gặp các bạn nhân viên ở quán, cũng là sinh viên làm thêm giống em nhưng rất lạnh lùng, không nói không rằng, xong đơn là hất hàm bảo shipper lấy đi”
Anh Tuyến kể nhiều người cư xử lạ lắm, đến quán, nhân viên cứ mải tám chuyện, kệ shipper đợi mòn mỏi. Ngừng đấy thời gian có khi cũng giao xong đơn khác rồi. Anh sốt ruột đứng lên nhắc thì họ lại tỏ ra khó chịu
“Có lần tôi tới lấy đơn, xác minh qua app rồi mà nhân viên còn chụp biển số xe, xong còn bắt cởi khẩu trang để chụp mặt. Lúc đó tôi cũng tự ái bảo không cho chụp vì công ty không có quy định đó. Mặc dù vậy khi quay đi, tôi biết họ vẫn cứ lén chụp… Cửa hàng cũng có cái khó nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.”
Shipper có ngày nhận đơn giao một lúc cả 50 cốc trà sữa hay mười mấy suất cơm, tiền ship được có 20 chục ngàn. Cứ thử tưởng tượng ngồi đợi cả tiếng đồng hồ chờ đơn rồi lại nín thở chở đồ… Nhỡ chẳng may tay lái không vững thì đi tong mấy ngày công.
“Nhiều khi tôi cũng phải ngỏ ý khách hỗ trợ thêm nhưng có người cho rằng chúng tôi tham lam, đã nhận tiền từ app ròi còn đòi hỏi. Thật ra, cả đơn như vậy chúng tôi cũng nhận được bao nhiêu đâu. Từng đó người ăn, mỗi người góp năm trăm hay một ngàn đồng là shipper dễ thở hơn nhiều rồi. Giờ những đơn lớn như vậy mà khách không thông cảm thì tôi cũng đành huỷ.” Anh Tuyến tâm sự.
Nhiều shipper làm lâu năm trở thành những tay “lão làng” khi nằm lòng các vị trí dễ bắt đơn, đơn nào nên nhận, đơn nào không. Có shipper cho biết khi thấy nổ đơn tiền triệu thì cũng đừng vội mừng, vì nhiều khi ở khu đó hay phải chở ga đệm rất cồng kềnh, đi xa nguy hiểm.
Có shipper trở nên “nhẵn mặt” với chủ quán, cứ đến lấy đồ là lại niềm nở trò chuyện. Trên mạng xã hội, có nhiều câu chuyện chia sẻ về các shipper đến lấy hàng, trong lúc chờ làm đơn thì tranh thủ nhặt rau, trông con hộ chủ quán. Có người thậm chí còn đứng ra làm bếp luôn để đỡ phải chờ lâu.
Trong khi đó nhiều shipper chạy hub thì hay được trêu là “ông trùm” của một khu. Nhắc đến khu vực nào là nhớ ngay đến shipper đó.
Anh Diện phụ trách một tuyến đường cố định, ngày nào anh cũng ngồi cả tiếng ở dưới các sảnh chung cư trả hàng. Nhiều người biết mặt, đi qua chào hỏi như người quen. Anh kể mình có khi chỉ cầm gói hàng, đọc tên và số điện thoại là biết luôn là ai, nhà nào, không cần nhắc. “Có chung cư cư dân còn tốt bụng, xin cho chúng tôi một góc ở chỗ có mái che để bớt mưa nắng.”
Nhiều shipper ở gần nhau hay chạy cùng tuyến cũng lập thành các cộng đồng nho nhỏ hỗ trợ nhau, có dịp đặc biệt cũng rủ nhau một bữa liên hoan. Nghề tưởng mỗi người một việc, nay đây mai đó nhưng cũng có những người chia sẻ, quan tâm như anh em trong nhà.
Khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội cho thấy 82,2% shipper coi đây là việc làm chính và 94,1% không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong 2-5 năm tới.
Theo các chuyên gia lựa chọn nghề lương cao là quyền chính đáng của người lao động, tuy nhiên hiện nay phần lớn shipper không tham gia bảo hiểm xã hội. Họ đang phải đối mặt với tình trạng “6 không”: Không có hợp đồng lao động; không được hỗ trợ tiền ăn; không chế độ nghỉ phép; không khám sức khỏe định kỳ; không bảo hộ lao động; không thưởng lễ Tết.
Thế nhưng nhiều khi cực chẳng đã vì có người nếu làm theo đúng bằng cấp thì thu nhập chỉ bằng một nửa so với làm shipper.
Anh Tuyến vì gia đình nên vẫn kiên nhẫn bám trụ với nghề dù nhiều thiệt thòi. Theo anh kiếm tiền ngày càng khó khăn vì cạnh tranh nhiều, công ty siết lại lương theo đơn rồi hay trừ điểm, phạt vô lý. Chính sách cũng thường xuyên thay đổi, hôm nay lương cao nhưng ngày mai thì chưa biết thế nào. “Trong nhóm mấy anh em, tôi thường khuyên các em là nên tìm công việc ổn định, ai mà được như thế là chúng tôi mừng lắm. Còn nghề này thì tốt nhất chỉ là để phụ thêm thu nhập thôi.”
Chuyện về chàng shipper nói tiếng Pháp đã có một cái kết có hậu. Và có thể những cử nhân, thạc sỹ một ngày nào đó sẽ cởi chiếc áo khoác đồng phục tới một bến đỗ mới. Kiệt, cậu sinh viên năm 3 chia sẻ: “Mỗi người có lý do khác nhau để tìm đến việc hay rời đi. Có người vì tìm được chỗ tốt hơn, có người vì bức xúc với chế độ công ty… Còn em thì xác định không làm lâu nhưng cũng cảm ơn vì công việc đã giúp mình bước qua một giai đoạn khó khăn…”
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |