Sử dụng đồng tiền di động Mobile Money, rút tiền ở đâu, trả phí ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về cách thức thực hiện cũng như cơ chế quản lý đồng tiền di động – Mobile Money.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT chia sẻ với Báo Giao thông về cách thức thực hiện cũng như cơ chế quản lý của đồng Tiền di động – Mobile Money.

Sử dụng Mobile Money sẽ phải trả phí bao nhiêu?

Ông có thể chia sẻ một cách ngắn gọn về hình thức thanh toán của đồng Tiền di động? Quy trình thủ tục để nhà mạng có thể thực hiện dịch vụ trong thời gian sớm nhất?

Mobile Money hay Tiền di động, bản chất là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên thiết bị di động, tương tự giá trị tiền tệ được lưu trữ trong tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng nhưng không được phép hưởng lãi hay làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản Mobile Money.

Việc sử dụng Mobile Money để thanh toán cũng sẽ tương tự như các hình thức thanh toán hiện nay qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử; bên cạnh đó, người sử dụng tài khoản Mobile Money còn được phép nạp/rút tiền mặt từ tài khoản mobile money của mình tại các điểm giao dịch được nhà mạng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Các doanh nghiệp viễn thông, cụ thể là 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone sẽ phải chuẩn bị Hồ sơ đề án đáp ứng đủ các quy định trong Quyết định của Thủ tướng bao gồm các quy định về quy trình nghiệp vụ nạp-rút-chuyển tiền; đảm bảo khả năng thanh toán, an toàn, an ninh; nhận biết, định danh khách hàng (KYC); quản lý điểm kinh doanh; các quy định về phòng, chống rửa tiền; quản lý rủi ro, khiếu nại của khách hàng… và các quy định khác có liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cơ quan được giao chủ trì thẩm định chấp thuận việc cho phép/hay không cho phép tham gia thí điểm.

Đồng thời các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách để triển khai dịch vụ ngay khi được NHNN chấp thuận.

Vậy cách thức quản lý đồng tiền này của khách hàng ra sao, tỷ lệ chuyển đổi giá trị như thế nào thưa ông?

Tiền pháp định (tiền đồng) được nạp vào tài khoản Mobile Money sẽ chuyển sang lưu trữ dưới dạng “số” để sử dụng cho các nghiệp vụ nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán hàng hóa dịch vụ và được các doanh nghiệp viễn thông mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại các Ngân hàng thương mại (NHTM).

Số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng tại cùng một thời điểm. Khách hàng nạp tiền vào tài khoản Mobile Money tương tự như nạp tiền vào tài khoản thanh toán tại NHTM, do đó sẽ hoạt động như một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, hết sức thuận tiện mà không phải chịu bất cứ một hệ số chuyển đổi nào.

Mobile Money được sử dụng tương tự như các hình thức thanh toán hiện nay qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử

Mobile Money được sử dụng tương tự như các hình thức thanh toán hiện nay qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử

Người dân cũng băn khoăn sử dụng Mobile Money sẽ được rút tiền mặt ở đâu, nhà mạng hay điểm bán thẻ cào? Mức phí là bao nhiêu khi mà số tiền rút có thể không lớn?

Dịch vụ Mobile Money cho phép bất cứ khi nào người dùng có nhu cầu đều có có thể rút tiền mặt từ tài khoản Mobile-Money tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do Doanh nghiệp viễn thông thiết lập (cửa hàng trực tiếp) hoặc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác là pháp nhân được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền.

Mức phí sẽ được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xem xét phù hợp với mặt bằng chung của các khoản thanh toán có giá trị nhỏ để khuyến khích người dân sử dụng và phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mobile Money được bảo mật như thế nào?

Tính bảo mật của hình thức thanh toán này được đảm bảo ra sao, khi nảy sinh vấn đề, cơ quan nào đứng ra giải quyết?

Tính bảo mật của dịch vụ Mobile-Money được thể hiện qua hệ thống công nghệ thông tin được quy định đối với doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có hệ thống đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật hiện hành. Hạ tầng công nghệ thông tin và các giải pháp phục vụ cung ứng dịch vụ Mobile-Money phải đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn trong suốt quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money;

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có công cụ, giải pháp phù hợp xác định được chính xác địa chỉ giao thức Internet (Internet Protocol - IP), thuê bao sử dụng để có thể truy vết được đối tượng khách hàng thực sự sử dụng tài khoản Mobile-Money;

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có hệ thống lưu trữ lịch sử giao dịch Mobile-Money phát sinh (như: giao dịch nạp/rút, chuyển tiền và thanh toán hàng hóa, dịch vụ); hệ thống lưu trữ thông tin định danh khách hàng, thông tin định danh thiết bị, địa chỉ IP (trừ giao dịch USSD), địa chỉ kiểm soát truy cập phương tiện truyền thông - Media Access Control - MAC (trừ giao dịch USSD), Mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế (International Mobile Equipment Identity - IMEI), thời gian giao dịch, nội dung giao dịch, tài khoản gửi, tài khoản nhận, số dư, vị trí giao dịch,... từ khi khách hàng mở đến khi đóng tài khoản, trong đó có các thông tin truy vết người sử dụng dịch vụ (đối với các tài khoản Mobile-Money đã đóng vẫn phải lưu trữ thông tin tối thiểu 2 năm); đồng thời phải có bản sao lưu các thông tin lưu trữ nhằm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thông tin địa chỉ IP, thời gian đăng nhập phải lưu giữ tối thiểu 2 năm. Đối với các tài liệu kế toán, Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán.

Bộ Công an là đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với các Doanh nghiệp thực hiện thí điểm, ngoài ra Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là các đơn vị cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, bảo mật của dịch vụ Mobile-Money.

Sau thời gian thí điểm Mobile Money, NHNN và các bộ ngành sẽ có đánh giá tổng kết để xây dựng hành lang pháp luật chung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Cảm ơn ông!

Ngân hàng Nhà nước: Mobile Money tiềm ẩn rủi ro chưa thể lường trước

Ngân hàng Nhà nước cho rằng Mobile Money tiềm ẩn rủi ro phát sinh mà thời điểm hiện tại chưa thể lường hết trước được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN