"Sốt đất" đã qua vùng đỉnh, nhà đầu tư đến lúc thoát hàng?
Nhiều chỉ số cho thấy, "sốt đất" đã qua vùng đỉnh nên gần đây có hiện tượng một số nhà đầu tư không chuyên, dùng đòn bẩy tài chính bắt đầu rao bán "cắt lỗ" các bất động sản nhỏ, không có lợi thế về hạ tầng.
"Sốt đất" đã qua vùng đỉnh
Tại sự kiện công bố Báo cáo thị trường bất động sản Quý II/2022 của Batdongsan.com.vn, đơn vị này ước tính, trong Quý II/2022, lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh Quý II/2021, một chỉ báo cho thấy “cơn sốt” đất nền đã đi qua vùng nóng và hoàn thiện một chu kỳ.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch, cụ thể là Quý II/2019, lượt tìm kiếm đất nền vẫn tăng nhẹ khoảng 4%, cho thấy đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm của người mua và nhà đầu tư.
Trong đó, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Tại Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
Ở TP HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Trong Quý II/2022, lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh Quý II/2021, một chỉ báo cho thấy “cơn sốt” đất nền đã đi qua vùng nóng và hoàn thiện một chu kỳ.
Nhận định về việc này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, mặc dù quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong Quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm.
Bởi, ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Đáng chú ý, thị trường đất nền có sự phân hóa rõ về khu vực. Trong khi miền Bắc, miền Nam giảm dần sức nóng thì đất nền tại miền Trung vẫn tiếp tục được quan tâm tìm kiếm. Nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam... đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 25% đến 57% so với trước dịch. Điểm chung của các thị trường này đều là các tỉnh ven biển, những nơi phát triển mạnh bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, loại hình đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Đối với chung cư cho thuê tại Hà Nội, lượng quan tâm tăng chủ yếu ở khu vực ngoài trung tâm như huyện Gia Lâm tăng 13%, huyện Đông Anh tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Còn ở TP HCM, lượng quan tâm chung cư cho thuê tăng nhiều nhất ở khu vực phía Đông như Quận 2 tăng 36%, Quận 1 tăng 13%, Quận 7 tăng 10%.
Trong khi đó, giá rao bán cũng như nhu cầu tìm thuê căn hộ ở Hà Nội và TP HCM đều tăng.
Nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính bắt đầu thoát hàng
Trước đó, các chuyên gia nhận định, những biến động về giá cả và mức độ quan tâm vừa nêu ở trên, cùng với việc giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng không ngừng đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Những điều này góp phần đẩy giá nhà, đất lên cao, nhưng thanh khoản lại ngược lại. Do đó, gần đây đã có hiện tượng một số nhà đầu tư không chuyên và dùng đòn bẩy tài chính đã rao bán "cắt lỗ" một số bất động sản nhỏ, không có lợi thế về hạ tầng.
Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Trong khi những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, lãi suất vay mua bất động sản tăng cao.
Gần đây có hiện tượng một số nhà đầu tư không chuyên, dùng đòn bẩy tài chính bắt đầu rao bán "cắt lỗ" các bất động sản nhỏ, không có lợi thế về hạ tầng.
Thậm chí, các chuyên gia BĐS còn lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá BĐS cũng giảm mạnh, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
“Thị trường hiện nay đang đứng hình. Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Song, thị trường đóng băng nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được, không ít người rơi vào cảnh tay trắng “, TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm…
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản và giá bất động sản (BĐS) đều giảm. Thanh khoản giảm mạnh ở những khu vực chưa thể khai thác...