Sốc với quy định thu nhập 7 triệu không được vay vốn lãi suất thấp
Hiện nay có rất nhiều người lao động ở TP.HCM không thể vay từ quỹ CEP do quy định về thu nhập tại Thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Cụ thể, tại Thông tư 33/2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có hiệu lực kể từ đầu tháng 7 quy định người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô CEP (còn gọi là quỹ CEP).
Đây là tổ chức chuyên đáp ứng những khoản vay quy mô nhỏ và không yêu cầu người lao động phải có tài sản thế chấp.
Khóa chặt cánh cửa vay quỹ CEP với người lao động
Chị Tuyết Lan, kế toán của một đơn vị sự nghiệp công lập tại quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: Với quy định mới của NHNN, có lẽ chỉ có những người lao động đang làm ở khâu tạp vụ của cơ quan mới đủ điều kiện vay. Còn lại, đa phần người lao động tại cơ quan đều có thu nhập từ 9 triệu trở lên và đương nhiên sẽ hết cơ hội vay từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP.
"Nhiều năm nay, quỹ CEP cho vay với lãi suất rất thấp. Nhờ vậy nhiều đoàn viên, người lao động tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này để phục vụ các nhu cầu thiết yếu đời sống. Nay nếu không được vay nữa nhiều người sẽ gặp khó khăn", chị Lan nói
Anh Tuấn (TP Thủ Đức) cho biết: Cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, với mức thu nhập dao động khoảng 12 – 13 triệu đồng/tháng/người, có hai con nhỏ. Hằng tháng vợ chị phải tính toán rất chi li mới đủ trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, điện nước, tiền học ở trường, học thêm tiếng Anh cho hai con..., trong khi mọi chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên. Dù tiết kiệm hết mức, nhưng mỗi tháng gia đình chỉ dư một khoản rất nhỏ, đủ phòng trường hợp bị đau ốm thông thường.
"Vì vậy năm nào tôi cũng làm hồ sơ vay quỹ CEP để trang trải cho những khoản phí đầu năm học cho các con. Năm ngoái tôi vay 50 triệu, trả trong 12 tháng, mỗi tháng lương công ty trừ 4,9 triệu đồng (đã bao gồm tiền gốc, lãi và tiết kiệm)", anh Tuấn kể.
Thế nhưng đầu tháng 8 vừa qua, sau khi làm xong hồ sơ, chờ mãi không được giải ngân mà lại nhận được thông báo từ công đoàn và phòng kế toán là hồ sơ bị từ chối do thu nhập hàng tháng trên 9 triệu đồng.
"Tôi thật sự quá sốc, vì tiền tiết kiệm của gia đình đâu có dư giả gì để đủ chi cho hàng loạt khoản phí ngay đầu năm học mới của hai con. Do đó, tạm thời tôi phải cắt hết những khoản học phí cho việc học tiếng Anh của con, chỉ tập trung vào những thứ thật sự cần thiết. Bởi ngay lúc này, tôi không xoay tiền đủ cho các khoản phải chi theo kế hoạch ban đầu”, anh Tuấn nói.
CEP tổ chức gian hàng tư vấn sản phẩm và tuyên truyền tác hại “tín dụng đen”. Ảnh: CEP
Tương tự, chị Trang cũng bày tỏ lo lắng: “Vợ chồng tôi có 3 con, trong đó đứa lớn năm nay đã bước vào năm 2 đại học. Sống ở TP.HCM, mọi chi phí sinh hoạt đều đắt đỏ, ngay cả mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì cũng phải rất tiết kiệm may ra mới đủ để trang trải cho cuộc sống.
Do đó, mức trần thu nhập mà NHNN khống chế 9 triệu đồng/tháng đối với người lao động ở thành phố mới được vay quỹ CEP là quá lạc hậu, không phù hợp với mức thu nhập và điều kiện sống tại TP.HCM”.
Lãi suất vay quỹ CEP hiện chỉ dao động từ 0,55 – 0,65%/tháng, tương đương 6,6% - 7,8%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi vay của các ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, với quy định mới về thu nhập của Ngân hàng Nhà nước, nhiều lao động sẽ không được tiếp cận nguồn vay này.
Mòn mỏi chờ giải pháp để được vay quỹ CEP
Đại diện quỹ CEP cho biết: Hiện nay, theo dữ liệu thống kê thì số người đang vay quỹ CEP và có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng chiếm gần 50% trên tổng số lượng khách hàng vay. Do đó, với quy định mà NHNN đưa ra, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng trở lên không được vay vốn tổ chức tài chính vi mô, chắc chắn sẽ tác động đến rất nhiều đến khách hàng đang vay.
Bên cạnh đó, quy định này cũng khiến chương trình cho vay 1,41 lượt triệu khách hàng nhằm phòng chống tín dụng đen trong 5 năm 2023-2028 khó có thể hoàn thành mục tiêu như kế hoạch đặt ra.
“Trước mắt, Thông tư 33 đã quy định như vậy thì chúng tôi vẫn phải chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, qua trao đổi với NHNN, chúng tôi cũng được gợi mở một giải pháp khác. Đó là thay vì kê khai vay dựa trên thu nhập của cá nhân người lao động thì giờ đây có thể kê khai vay theo hộ gia đình.
Mặc dù về thủ tục vay có rườm rà hơn một chút so với trước đây, nhưng một gia đình gồm hai vợ chồng, có hai con, thu nhập bình quân là 36 triệu đồng/tháng sẽ vẫn đủ điều kiện để vay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của NHNN rồi mới triển khai và thông báo để các khách hàng tiếp cận”, vị đại diện quỹ CEP cho biết thêm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm: Quy định thu nhập tối đa 9 triệu đồng mới được vay quỹ CEP mà NHNN đưa ra không còn phù hợp với điều kiện sống hiện tại. Nếu một gia đình mà chỉ có một người làm công nhân, với mức thu nhập 9 triệu đồng mỗi tháng chắc chắn không đủ để nuôi gia đình.
Ngay cả những người công nhân có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, cũng chưa thấm tháp gì so với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ như hiện nay. Trong khi nhu cầu vay vốn của người lao động với mức lãi suất thấp tại quỹ CEP là luôn tăng cao.
Nếu không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này, rất có thể sẽ đẩy người lao động khi cần tiền gấp để trang trải cuộc sống sẽ phải tìm đến “tín dụng đen” do họ không có tiết kiệm dự phòng, cũng như không đủ điều kiện để tiếp cận dịch vụ tài chính tại các ngân hàng thương mại.
"Chính vì vậy, tôi cho rằng để hỗ trợ, bảo vệ lợi ích cho người lao động có thu nhập thấp, NHNN nên xem xét bỏ quy định mức thu nhập tối đa 9 triệu đồng mới được vay quỹ CEP, hoặc sửa đổi từ mức trần này thành thu nhập bình quân của một người trong gia đình là 9 triệu thì sẽ hợp lý hơn. Chứ nếu hộ gia đình có 4 người đi làm với thu nhập 9 triệu đồng, thì thu nhập bình quân trong hộ gia đình chỉ có 2,25 triệu đồng/người mà thôi”, TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.
Đồng quan điểm, một số ý kiến khác đặt câu hỏi NHNN dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô? Và liệu NHNN sẽ có giải pháp nào để hỗ trợ cho những khách hàng đang có nhu cầu vay vốn từ quỹ CEP nhưng lại không thể tiếp cận vì vướng quy định tại Thông tư 33/2024?
CEP tuyên truyền tác hại “ tín dụng đen” đến công nhân lao động- Ảnh: CEP
Trao đổi với chúng tôi về những thắc mắc trên, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã tiếp nhận phản ánh từ Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) và đã có kiến nghị đến NHNN Việt Nam về một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư 33/2024 quy định về hồ sơ, trình tự cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô...
"Tuy nhiên, các vướng mắc này đều liên quan đến cơ sở để xây dựng Thông tư 33. Việc này thuộc thẩm quyền của Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN. Do đó, NHNN chi nhánh TP.HCM đã tổng hợp ý kiến phản ánh và có văn bản gửi Vụ Pháp chế và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Và hiện NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đang chờ đợi văn bản trả lời từ phía NHNN", ông Lệnh cho hay.
Thông tin từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho biết, CEP tiền thân là Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, là tổ chức phi lợi nhuận, được Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và được Ủy ban Nhân dân TP.HCM ra quyết định thành lập năm 1991.
CEP luôn kiên định với sứ mệnh làm việc vì công nhân, lao động nghèo và người có thu nhập thấp nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính, phi tài chính một cách thiết thực và hiệu quả.
Từ 460 triệu đồng nguồn vốn ban đầu, đến nay CEP đã phát triển hơn 6.000 tỷ đồng cùng mạng lưới 36 chi nhánh tại TP. HCM và 9 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long.
Đến tháng 9-2023, CEP đã trợ vốn cho 5.522.384 lượt khách hàng vay vốn với doanh số 84.622 tỷ đồng; có hơn 342.120 công nhân và người lao động đang được hỗ trợ vốn vay từ CEP với tổng dư nợ trên 5.521 tỷ đồng.
Doanh thu từ quảng cáo năm 2023 của X sụt giảm chỉ còn một nửa so với năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]