Sốc: Công ty phạt tiền nếu nhân viên… không chịu đi bộ
Mục đích của những công ty này là giúp nhân viên rèn luyện sức khỏe, song việc đề ra quy định phạt lại khiến không ít người cảm thấy khó hiểu và bất mãn.
Ngày nay, rất nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể hỗ trợ người dùng đếm số bước chân, qua đó theo dõi tần suất vận động của cơ thể. Những ứng dụng này vốn được tạo ra với mục đích tốt là khuyến khích người dùng vận động, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Tuy nhiên với một số nhân viên văn phòng ở Trung Quốc, đây lại là khởi đầu của một cơn “ác mộng”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một nữ nhân viên văn phòng ở Quảng Châu từng chia sẻ công ty cô có một quy định vô cùng kì quặc: yêu cầu mỗi nhân viên phải đi được 180.000 bước/tháng, thiếu 1 bước sẽ bị trừ 0,01 NDT (khoảng 32 đồng).
“Nhiệm vụ mỗi tháng của chúng tôi là phải đi đủ 180.000 bước, trung bình mỗi ngày phải đi được 6.000 bước. Tính ra thì có vẻ không nhiều nhưng trên thực tế lại là một khó khăn rất lớn đối với tôi”. Người này vốn làm nhân sự, công việc thường ngày chủ yếu thực hiện tại văn phòng. Cô di chuyển từ nhà tới công ty bằng tàu điện ngầm, do đó gần như không có cơ hội đi bộ.
“Tôi đã thử và nhận ra, mỗi ngày tôi chỉ đi được khoảng 2.500 bước”- cô chia sẻ. Như vậy tính ra, cô sẽ thiếu khoảng 3.500 bước/ngày, nhân lên cả tháng thì số tiền phạt có thể lên tới hơn 3 triệu đồng - một con số không hề nhỏ đối với một nhân viên văn phòng.
Một cư dân mạng có nick Weibo Đảo Du Tử cũng bị ép tham gia hoạt động đi bộ của công ty với yêu cầu phải đạt 8.000 bước. Nếu đạt được mục tiêu sẽ không có thưởng, nhưng nếu không đạt được thì sẽ bị phạt. Đảo Du Tử cho biết, cô sẽ “trực tiếp nộp phạt cho xong”.
Sau khi nghe hai câu chuyện kể trên, cư dân mạng nước này chia làm 2 phe. Một phe ủng hộ công ty vì mục đích hướng về việc rèn luyện sức khỏe. Phe còn lại chia sẻ sự bất mãn khi cho rằng, chính sách “bắt buộc đi bộ này” là một kiểu trừ tiền biến tướng. Có người còn cho rằng, ngoài 8 tiếng làm việc văn phòng thì thời gian còn lại là của riêng họ, tại sao lại bắt họ phải thực hiện thêm nhiệm vụ ngoài giờ.
Rõ ràng, việc khuyến khích nhân viên vận động để tăng cường sức khỏe là một ý tưởng tuyệt vời. Song ý tưởng phải đi đôi với phương pháp triển khai và thưởng phạt phù hợp để không ảnh hưởng đến công việc cũng như tinh thần của các nhân viên.
Sau sự việc hy hữu tại Eximbank, những ngày gần đây không ít người khuyên nhau trả lại, hủy hoặc kiểm tra các loại thẻ tín dụng. Không chỉ vậy, rất nhiều người cũng giật mình vì loạt khoản nợ phí từ các tài khoản ngân hàng đã từng mở.
Nguồn: [Link nguồn]