Số phận 2 ngân hàng 0 đồng; tin mới thương vụ cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Giá vàng trụ vững trên đỉnh cao lịch sử; chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng; thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách; Vinhomes sắp giao dịch thương vụ cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng

Chiều 17/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng OceanBank và Ngân hàng Xây dựng (CB).

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong lễ chuyển giao (ảnh: SBV).

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong lễ chuyển giao (ảnh: SBV).

Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB (trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank), mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại 2 ngân hàng trên tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Vietcombank, MB là những ngân hàng thuộc hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc.

Được biết, chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Động thái của Vinhomes về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử

Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) vừa công bố đính chính về thời gian dự kiến thực hiện mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ. Theo đó, thời gian dự kiến giao dịch được rút ngắn một ngày so với trước đây. Các giao dịch vẫn được triển khai trong khoảng thời gian kể từ ngày 23/10, nhưng ngày kết thúc sẽ thay đổi từ 22/11 sang 21/11.

Phía VHM giải thích rằng, việc điều chỉnh nhằm đảm bảo sự chính xác về số ngày được phép giao dịch (ngày kết thúc giao dịch là 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện). Các nội dung khác sẽ đều được giữ nguyên so với công bố trước.

Mục đích mua lại được Vinhomes thông báo là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực. Do đó, việc mua lại cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.

Mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu VHM.

Mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu VHM.

Trong thông báo số 11.10/2024/TB/VHM, Vinhomes cho biết số lượng đặt mua hàng ngày sẽ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 120 và các quy định liên quan khác theo Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 120 quy định về “Công ty đại chúng giao dịch cổ phiếu của chính mình” thì trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt mua tối thiểu là 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch.

Chủ tịch Quảng Nam không muốn doanh nghiệp đến bằng quà cáp, đi đêm đi ngày

Chiều 17/10 diễn ra buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đầu tư trên địa bàn, nhằm chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các DN.

Chủ tịch Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ông thông tin đến các DN về một số định hướng lớn của tỉnh, trong đó có chủ trương của Chính phủ và địa phương về việc đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai; kế hoạch nâng cấp cảng biển Chu Lai đáp ứng cho tàu có trọng tải 50.000 tấn lưu thông…

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp FDI.

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp FDI.

Tại buổi đối thoại, đại diện DN cho biết, thời gian qua các cấp ngành của tỉnh đã tích cực hỗ trợ nhưng trên thực tế DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn trong thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài; vướng mắc về thuế phí; thiếu nhà ở xã hội, nguồn nhân lực; giá xử lý nước thải tại khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng tăng cao đến 30%...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, chính quyền cam kết đồng hành với DN, quán triệt không gây khó khăn cho nhà đầu tư, khuyến khích DN phản ánh nếu phát hiện xảy ra tình trạng cơ quan, sở, ngành gây khó dễ để xử lý, tạo môi trường thuận lợi và hạn chế mức thấp nhất và không có chi phí đầu tư không chính thức cho DN.

“Quảng Nam hứa sẽ quyết tâm thực hiện việc này. Tôi mong muốn các doanh nghiệp đến với sở ngành, đến với lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp bằng tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm cao để phấn đấu làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình chứ không đến bằng quà cáp, đi trước đi sau, đi đêm đi ngày, để kinh tế Quảng Nam phát triển tốt hơn”, ông Dũng nói.

Thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách tới đây ra sao?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130 quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác với mức phí từ 900 - 5.200 đồng/km. Theo Bộ GTVT, dự kiến việc thu phí bắt đầu vào tháng 5/2025 tại các tuyến cao tốc đủ điều kiện.

Theo Nghị định, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 5 nhóm; với 2 loại mức phí (gồm mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn; mức 2 áp dụng với cao tốc chưa đạt chuẩn như chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom, làn dừng khẩn cấp).

Tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45 dự kiến thu phí từ tháng 5/2025.

Tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45 dự kiến thu phí từ tháng 5/2025.

Theo đó, nhóm 1 gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng thu phí từ 900 - 1.300 đồng/km.

Nhóm 2 gồm xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; mức phí từ 1.350 - 1.950 đồng/km. Nhóm 3 gồm xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; mức phí từ 1.800 - 2.600 đồng/km. Nhóm 4 gồm xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet; mức phí 2.250 - 3.250 đồng/km. Nhóm 5 gồm các loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên; mức phí 3.600 - 5.200 đồng/km.

Theo Bộ GTVT, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 10 tuyến cao tốc được đề xuất dự kiến thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Với mức đề xuất như trên, dự kiến sau khi thu đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác (đủ điều kiện thu phí), số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước 2.850 tỷ đồng/năm.

Bị Tập đoàn FLC 'đòi' hơn 80 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi nói gì?

Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Tỉnh ủy Quảng Ngãi, UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi, đề nghị hoàn trả số tiền hơn 80 tỷ đồng mà nhà đầu tư đã chi để thực hiện các dự án tại địa phương.

Trong công văn số 291 do Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lê Tiến Dũng ký gửi tỉnh Quảng Ngãi trình bày, đơn vị đã cùng nhiều liên doanh công ty thực hiện chủ đầu tư 6 dự án tại khu đô thị (KĐT), khu du lịch sinh thái tại KKT Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tất cả những dự án của FLC tại Quảng Ngãi chỉ là bãi đất hoang.

Tất cả những dự án của FLC tại Quảng Ngãi chỉ là bãi đất hoang.

Tập đoàn FLC cho rằng, theo sự kêu gọi của tỉnh về việc tự nguyện trả các dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư, các chủ đầu tư 6 dự án đã đồng thuận hưởng ứng và tự nguyện nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản thống nhất chấm dứt hoạt động các dự án trên theo pháp luật.

“Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm kể từ thời điểm tự nguyện trả lại dự án cho tỉnh, Tập đoàn FLC và các chủ đầu tư chưa nhận bất cứ thông tin, phản hồi, hướng dẫn về việc hoàn trả đối với các chi phí chủ đầu tư đã bỏ ra tại các dự án. Trong khi đó, số tiền hơn 80 tỷ đồng là số tiền lớn và cần thiết với Tập đoàn FLC và các công ty trong bối cảnh hiện nay”, văn bản nêu.

Tại buổi họp báo quý III, ngày 18/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn thông tin đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiến hành rà soát hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến các dự án mà Tập đoàn FLC đã đầu tư tại tỉnh để làm cơ sở giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư, trong đó có việc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi hoàn trả hơn 80 tỷ đồng.

“Quảng Ngãi sẽ xem xét, giải quyết, trong đó có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã chi trả. Tuy nhiên, việc này phải được rà soát một cách chặt chẽ, đảm bảo các quy định của pháp luật và Tập đoàn FLC phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì địa phương mới đủ cơ sở để giải quyết”, ông Tuấn nói.

Thu nhập của người Việt khi GDP vừa tăng vượt mọi dự báo

Theo Tổng cục Thống kê, quý III vừa qua, lực lượng lao động, số người có việc làm đều tăng so với quý trước, cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt hơn 52,5 triệu người, tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm quý III tăng 114,7 nghìn người so với quý trước, đạt hơn 51,6 triệu người. Việt Nam được nhận định đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động tăng hàng năm. Đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, tuy nhiên, tỷ lệ đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ mới đạt 28,1%.

Bình quân thu nhập của người lao động đạt 7,6 triệu đồng/tháng. So với quý trước, tốc độ tăng không đáng kể (đạt 2,4%). Dù vậy, một số ngành ghi nhận tốc độ tăng khá. Người làm việc trong lĩnh vực bất động sản có thu nhập bình quân 11,9 triệu đồng/tháng (tăng 12,7%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 11,3 triệu đồng (tăng 11,2%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 12,7 triệu đồng (tăng 10,3%).

Tình hình lao động việc làm 9 tháng. Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Tình hình lao động việc làm 9 tháng. Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tình hình xuất nhập khẩu khởi sắc đã góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cả nước trong quý này xuống 2,24% (giảm nhẹ 0,05%).

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê - cho biết, bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc trong tháng 9 vừa qua với sức tàn phá nặng nề được dự báo có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của nước ta.

Tuy nhiên, thị trường lao động không gặp nhiều biến động do hậu quả thiên tai và những bất ổn trên thế giới. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này xuống còn 1,87%, giảm 0,19% so với quý trước, cùng kỳ năm trước.

HAGL có thể cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ năm thứ 3 liên tiếp sau khi lãi khá cao quý 3 nhờ thành công với “2 cây, 1 con” - lĩnh vực bầu Đức đánh cược...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Phạm ([Tên nguồn])
Tiêu điểm kinh tế tuần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN