"Siêu tổng công ty" SCIC báo lãi khủng chưa từng có
Lợi nhuận năm 2018 của SCIC tăng mạnh do thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn
Kết thúc năm kinh doanh 2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đạt doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn là 12.705 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với năm 2017. Chi phí cho hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn là 2.916 tỷ đồng, SCIC thu về khoản lợi nhuận gộp 9.788 tỷ đồng.
Sở dĩ doanh thu năm 2018 tăng trưởng mạnh là do công ty có nguồn thu từ bán các khoản đầu tư trị giá 7.800 tỷ đồng, nổi bật là các thương vụ thoái vốn tại Nhựa Bình Minh và Vinaconex.
Ngoài ra, SCIC có 3.338 tỷ đồng doanh thu từ cổ tức được chia, lãi đầu tư trái phiếu và tín phiếu đạt 1.559 tỷ đồng. Phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết đạt 1.098 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm 2018 của SCIC tăng mạnh do thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn
Cả năm 2018, chi phí cho hoạt động quản lý doanh nghiệp của SCIC là 327 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Kết quả, SCIC lãi trước thuế 10.565 tỷ đồng, lãi ròng đạt 9.339 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2017, cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến hết năm 2018, tổng tài sản của SCIC đạt 50.081 tỷ đồng, giảm khoảng 11.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và khoản tương đương tiền là 153 tỷ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 31.632 tỷ đồng và dài hạn là 16.782 tỷ đồng.
Trong năm 2018, SCIC đã tăng vốn thêm 1.021 tỷ đồng lên 26.042 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển của công ty ghi nhận ở mức 19.946 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, số cán bộ và nhân viên của SCIC và công ty con (Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC) là 259 người, giảm 13 người so với năm 2017. Cả năm 2018, chi phí dành cho nhân viên của SCIC là hơn 63 tỷ đồng và chi phí cho nhân viên quản lý là 56,5 tỷ đồng.
Vinamilk vừa thông báo mua thành công hơn 90 triệu cổ phần của đơn vị nắm quyền chi phối Sữa Mộc Châu.