Sau xoát xét, lợi nhuận sau thuế của Gỗ Trường Thành giảm mạnh

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nửa đầu năm 2022, Gỗ Trường Thành chỉ hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận cả năm do sự sụt giảm hơn 41% về lợi nhuận sau khi công bố báo cáo kiểm toán bán niên.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (MCK: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Báo cáo sau soát xét ghi nhận sự thay đổi ở bảng kết quả kinh doanh.

Theo đó, sau soát xét, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TTF là 1.165 tỷ đồng, ghi nhận tăng nhẹ, tuy nhiên các khoản giảm trừ kinh doanh tăng hơn 118% so với báo cáo tự lập lên gần 6 tỷ đồng. 

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm mạnh hơn 63%, từ 44,5 tỷ đồng trong báo cáo tự lập xuống còn 16,3 tỷ đồng sau soát xét. Bên cạnh đó, sau soát xét, chi phí tài chính của TTF là 47,4 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với số liệu trong báo cáo tự lập.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm xuống còn 4,5 tỷ đồng, giảm hơn 41% so sới với báo cáo chưa soát xét. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận thu về trong 6 tháng đầu năm của Gỗ Trường Thành ghi nhận mức giảm hơn 2 lần.

Năm 2022, công ty đặt ra mục tiêu thu về 2.268 tỷ đồng doanh thu và 72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm TTF đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giải trình liên quan đến báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét, công ty cho biết nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận sau thuế sau soát xét là do công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

Sau xoát xét, lợi nhuận sau thuế của Gỗ Trường Thành giảm mạnh - 1

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2022, công ty sở hữu tổng cộng tài sản gần 2.986 tỷ đồng, tăng 5% so với số đầu năm. Trong đó, chỉ số hàng tồn kho của công ty ghi nhận giảm hơn 22% so với số đầu kỳ, còn 726 tỷ đồng. 

Đặc biệt, tài sản dài hạn trong kỳ ghi nhận mức tăng 39%, tăng từ 748 tỷ đồng tại đầu kỳ lên mức 1.041 tỷ đồng tại cuối kỳ. Mức tăng chủ yếu đến từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên doanh liên kết đạt 360 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với số đầu năm. 

Dư nợ phải trả của công ty tính đến cuối tháng 6 là 2.526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Tuy nhiên, nợ phải trả ngắn hạn trong kỳ của công ty giảm gần 38%, ở mức 1.454 tỷ đồng. Trái ngược lại, khoản nợ dài hạn của công ty tăng hơn 26 lần,, đạt 1.071 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản người mua trả tiền trước dài hạn là hơn 1.032 tỷ đồng trong khi đầu kỳ không ghi nhận. 

Tính đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là 459 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ.

Đầu tháng 8, công ty đã thông qua chủ trương mua cổ phần của CTCP Tekcom Central theo Nghị quyết HĐQT. Theo đó, số lượng cổ phần công ty dự kiến mua là 16,66 triệu cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ Tekcom Central. Tổng giá trị dự kiến của giao dịch là 166,6 tỷ đồng từ nguồn vốn chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022. 

Dự kiến thời điểm thực hiện giao dịch sẽ là trong năm 2023 và sau khi hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu TTF có giá 7.860 đồng/cổ phiếu, giảm 0,13% so với số tham chiếu.

Nguồn: [Link nguồn]

Choáng với khối tài sản nghìn tỷ của 5 thiếu gia hàng đầu Việt Nam đang nắm giữ

Cùng với sự biến động của thị trường chứng khoán trong 8 tháng đầu năm, khối tài sản nghìn tỷ trên sàn chứng khoán của 5 thiếu gia hàng đầu Việt Nam đang nắm giữ cũng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phương Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN