Sau hơn 1 tháng, gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa giải ngân đồng nào
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước - cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay chưa phát sinh dư nợ.
Tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011-2030”, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân của 4 ngân hàng nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ.
Toàn cảnh hội nghị triển khai đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
“Lãi suất cho vay không cố định. Cụ thể, từ nay đến 30/6/2023, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ đối với chủ đầu tư 8,7%/năm và người mua nhà 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ”, ông Bắc nói.
Theo ông Bắc, gói tín dụng này giải ngân khi hết số tiền nhưng không quá ngày 31/12/2030. Chủ đầu tư được vay ưu đãi 3 năm còn người mua nhà được 5 năm.
Ông Bắc khẳng định, chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình. NHNN cũng đã quy định rất rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.
Tuy nhiên, ông Bắc cho rằng, khó khăn, vướng mắc về giải ngân NƠXH liên quan đến nguồn cung.
Cụ thể, với đề án 1 triệu căn NƠXH, ông Bắc cho biết, nhiều vướng mắc như: Lựa chọn chủ đầu tư; quỹ đất; ưu đãi dành cho chủ đầu còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán... Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua NƠXH hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: Điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Thừa nhận những bất cập NƠXH thời gian qua, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, để phát triển NƠXH cần được khắc phục như: Quy hoạch bố trí quỹ đất; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân...
Với đề án 1 triệu NƠXH, Bộ trưởng cho biết thêm, từ nay đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022 - 2025 và 2025 - 2030).
Để đạt được mục đích này, Bộ trưởng Xây dựng cho biết các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp.
Bất chấp thị trường bất động sản đang "đóng băng", nhiều nhà đất hàng trăm tỷ đồng vẫn rao bán khắp các trang, diễn đàn môi giới.
Nguồn: [Link nguồn]