Sau bão số 3: Đừng để người dân nói lên tivi vay lãi suất thấp!
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết: "Bão số 3 nhiều người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khó khăn này, ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm chứ đừng để người dân nói lên tivi vay lãi suất thấp".
Chiều 20/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền, là siêu bão với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, có 26 địa phương chịu tác động nặng nề. Theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, cơn bão gây thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,15%. Những ngày này, bão, lũ đã qua đi nhưng vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn vất vả trong việc ổn định cuộc sống người dân.
Toàn cảnh hội nghị chiều 20/9.
Đối với ngành ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, bão số 3 khi quét qua Quảng Ninh đã làm hơn 1.600 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 24.200 tỷ đồng, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng của các tổ chức tín dụng không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch tham quan, tàu hàng... bị chìm đắm, hư hỏng).
Theo ông Huy, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 21.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Quảng Ninh cũng đã gửi văn bản cho các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn và đã được hồi đáp ngay với rất nhiều chính sách phù hợp, thiết thực trong thời điểm này.
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - cho biết, thống kê có 165 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó 7 doanh nghiệp và hơn 100 người dân với dư nợ 500 tỷ đồng, chiếm 3/4 dư nợ tín dụng trên địa bàn. Lĩnh vực ảnh hưởng chủ yếu là dự án thuỷ điện, các gia đình bị ảnh hưởng như nhà xưởng, vật nuôi…
Ông Bình kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi, được cơ cấu lại thời hạn trả lại, miễn giảm lãi, vay mới để doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất.
Chia sẻ thêm về việc ngành ngân hàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho khách hàng bị thiệt hại sau bão. Theo đó, khách hàng thiệt hại nhiều sẽ được giảm lãi suất nhiều, thiệt hại ít được giảm lãi suất ít.
"Các ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, đặc biệt người dân khó khăn hiện tại chứ không phải để khách hàng đến xin. Các ngân hàng phải đánh giá vay từ tín chấp, vay từ tài sản đảm bảo phải linh hoạt. Tất nhiên các ngân hàng phải đảm bảo điều kiện, an toàn nhưng nếu cứ quá chặt chẽ như cần tài sản đảm bảo với người dân đang mất trắng là không thực hiện được", ông Tú nói và cho biết thêm: "Bão số 3 nhiều người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khó khăn này, ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm chứ đừng để người dân nói lên tivi vay lãi suất thấp".
Nguồn: [Link nguồn]
Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn duy trì đà tăng, nhưng so với giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì lợi nhuận thu được từ kênh này đang giảm khoảng 50%.