Sắp sửa mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thúc đẩy việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong đóng thuế thu nhập cá nhân. Việc giảm trừ gia cảnh lỗi thời được người dân và cử tri nhiều địa phương phản ánh.

Hiện nay, mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.

Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2023, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN.

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế TNCN. (Ảnh minh họa: ST).

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế TNCN. (Ảnh minh họa: ST).

Mức giảm trừ gia cảnh trong đóng thuế TNCN được người dân phản ánh trong nhiều năm qua. Ông Lê Quân (ở Hà Nội) cho biết có lương gần 30 triệu đồng/tháng nhưng bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ anh Quân đều mắc bệnh hiểm nghèo. Chi phí sinh hoạt gia đình riêng và chi phí thăm khám, xe cộ đi lại, chữa bệnh cho bố mẹ ngày càng tăng cao, vẫn phải đóng thuế thu nhập hàng tháng.

“Việc sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh không biết khi nào thực hiện, người làm công như tôi rất mong ngóng việc sửa đổi. Cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất từ năm này qua năm khác nhưng chưa thực hiện được; trong khi kinh tế ngày khó khăn, mức chi phí tăng cao”, anh Quân nói.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Hạnh - nhân viên văn phòng tại TPHCM - chia sẻ, thu nhập giảm trong khi chi phí ngày càng tăng khiến cuộc sống thật sự khó khăn. Chị Hạnh rất mong sớm điều chỉnh chính sách để giảm bớt khó khăn.

Theo Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công 108.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN).

Năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật thuế TNCN, chính sách pháp luật quản lý thuế từ cơ quan thuế các cấp, người nộp thuế để nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi chính sách pháp luật thuế TNCN và chính sách pháp luật quản lý thuế (đáp ứng việc tái thiết kế quy trình thu, nộp, hoàn thuế TNCN làm cơ sở để xây dựng phần mềm quản lý thuế TNCN tự động).

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên tắc cốt lõi của thuế TNCN phải đánh vào những người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.

Theo ông Thịnh, hiện nay, Luật thuế TNCN của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ông Thịnh dẫn ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế TNCN về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%.

“Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế. Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng”, ông Thịnh khuyến nghị.

Cử tri một số địa phương như Thái Bình, TPHCM cũng kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, cử tri kiến nghị cơ quan thuế cần căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm theo. Riêng với bất động sản, lãi suất cho vay xuống thấp nhất chưa từng có để kích người dân vay mua nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN