Sập bẫy vì tin lời rao "bắt quả tang chồng ngoại tình"
"Thủ thuật" của các đối tượng dùng để lừa đảo tiền của người sử dụng Facebook đã bị lật tẩy.
Trong thông báo vừa phát đi, Bộ Công an chỉ rõ có 2 phương thức các đối tượng phạm tội dùng để hack tài khoản Facebook của người dùng.
Đó là hack Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của Facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để đánh cắp thông tin mật khẩu.
Sau khi hack được một tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ Facebook. Dựa trên các thông tin đó, nhóm này giả làm chủ facebook trên để nói chuyện với nhiều người rồi lừa đảo như vay tiền với nhiều lý do.
Ảnh minh họa
Tài khoản facebook thường bị hack nhất là của người lớn tuổi vì những người này thường đặt mật khẩu đơn giản, dễ nhớ. Các chủ tài khoản facebook đang sinh sống tại nước ngoài cũng dễ bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... vì bị hại không tiện liên hệ ngay được với chủ facebook để kiểm chứng.
Để dẫn dụ người dùng facebook thiếu cảnh giác đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn như gửi tin nhắn thông báo chủ tài khoản Facebook bị báo chí bôi nhọ. Thậm chí, gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản đã có gia đình là vợ/chồng của họ đi ngoại tình và bị các đối tượng chụp ảnh, ghi hình lại. Nếu người dùng tin, chỉ cần click vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình để tiếp tục xem nội dung là ngay lập tức dính "bẫy".
Thực tế là đã có nhiều người dùng facebook nhận được các tin nhắn thông qua SMS, email, chat qua facebook messenger… với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu click vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Nếu nạn nhân nhẹ dạ truy cập vào các đường link này (thường là website giả mạo có tên miền gần giống với website của ngân hàng) và đăng nhập internet banking thì toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng sẽ bị đánh cắp.
Bộ Công an cũng khẳng định thực chất các đường link này đều là giả mạo để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng.
Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Bộ Công an cảnh báo người dùng Facebook cần cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên Facebook... cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản Facebook để xác minh lại thông tin và nội dung trao đổi.
Mới đây, chị N (Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng VPBank chúc mừng và có một phần quà từ ngân hàng gửi tới chị nhân ngày sinh nhật. Để nhận quà, thì chị N cần truy cập vào một đường link và đăng nhập internet banking. Bất cẩn, chị N đã làm theo và sập bẫy. Chỉ sau ít phút chị N liên tiếp nhận được tin nhắn báo số tiền trong tài khoản VPBank của chị bị rút. Số tiền 71 triệu đồng trong tài khoản của chị đã bốc hơi nhanh chóng. Không dừng ở đó, tài khoản của chị còn bị thấu chi thêm 32 triệu đồng.
Theo Công an TP HCM, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh Công an, Viện Kiểm sát,… để...
Nguồn: [Link nguồn]