Sáng ngủ dậy mất 1,6 tỷ lãi vay, Gang thép Thái Nguyên hy vọng lãi "khủng" năm 2019

Việc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 90 tỷ đồng có lẽ sẽ khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ bởi doanh nghiệp này mới đây đã ghi nhận khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng trong quý IV.2018, sau 13 quý liên tiếp kinh doanh có lãi. Còn Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang phải gánh tới 1,6 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày.

Sáng ngủ dậy mất 1,6 tỷ lãi vay, Gang thép Thái Nguyên hy vọng lãi "khủng" năm 2019 - 1

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 90 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so năm 2018. (Ảnh: Internet)

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với những chỉ tiêu khá tham vọng.

Cụ thể, Gang thép Thái nguyên hướng tới mục tiêu doanh thu đạt hơn 14.219 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Song song với đó, lợi nhuận trước thuế được doanh nghiệp này đề ra là 90 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so năm trước.

Gang thép Thái Nguyên lần đầu báo lỗ, gánh 1,6 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày

Những con số phản ánh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 vừa nêu có lẽ sẽ khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Bởi trong năm 2018, Gang thép Thái Nguyên chỉ báo lãi trước thuế 36,4 tỷ đồng. Thậm chí, trong quý IV.2018, Gang thép Thái Nguyên đã ghi nhận khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng sau 13 quý liên tiếp kinh doanh có lãi.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng đề nghị đại hội đồng cổ đông tạm thời chưa phân phối lợi nhuận 2018 cho các chủ sở hữu. Nguyên nhân do hiện tại công ty đang gặp khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, mất cân đối về nguồn vốn.

Trong thời gian tới, Gang thép Thái Nguyên cho biết, do công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính trong năm 2019 nên chỉ tập trung ưu tiên vốn cho các hạng mục thực sự cần thiết hoặc đang thực hiện dở dang từ các năm trước chuyển sang, không đầu tư cho các dự án mới.

Theo lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống do giá nguyên vật liệu chính đầu vào tăng từ 14 - 26% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ thép giảm 6,82%, còn doanh thu tài chính giảm do SCIC thoái vốn.

Thêm vào đó, tình trạng mất cân đối tài chính vẫn diễn ra ở doanh nghiệp khi con số nợ phải trả chiếm tới hơn 80% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, ở mức 8.707 tỷ đồng. Riêng tổng nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tổng tài sản ngắn hạn tới 1.500 tỷ đồng. Hai khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn, dài hạn của Gang thép Thái Nguyên chiếm tới hơn 50% số nợ phải trả của doanh nghiệp, lần lượt là 2.914 tỷ đồng và 2.803 tỷ đồng.

Dù không giải trình cụ thể các khoản vay nợ và thuê tài chính của mình tính tới 31.12.2018, song báo cáo Tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Gang thép Thái Nguyên cho thấy, VietinBank là chủ nợ lớn nhất tại doanh nghiệp.

Theo đó, VietinBank cho Gang thép Thái Nguyên vay dài hạn 72,1 triệu USD (tương đương gần 1.660 tỷ đồng) và 219 tỷ đồng. Đây là khoản vay phái sinh từ năm 2010 với mục đích vay vốn để thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai. Thêm vào đó, Ngân hàng VietinBank, Chi nhánh Lưu Xá đang có khoản cho vay ngắn hạn gần 700 tỷ đồng với kì hạn 5 tháng để phục vụ sản xuất.

Không chỉ vậy, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 do Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP tổ chức, đại diện của Gang thép Thái Nguyên từng chia sẻ, vấn đề bảo lãnh ngân hàng cũng chưa xử lí được dù Tổng Công ty đã rất nhiều lần làm việc với VietinBank, bởi hiện nay ngân hàng này cũng đang cơ cấu lại hoạt động. Tệ hơn, Gang thép Thái Nguyên lâm vào cảnh các ngân hàng không cho vay vốn và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Hoạt động kinh doanh đi xuống, lại gặp khó khăn về nguồn vốn, Gang thép Thái Nguyên vẫn phải gánh khoản nợ xấu lên tới 651 tỷ đồng, trong đó, giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 393 tỷ đồng. Riêng khoản nợ gần 252 tỷ đồng của Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng đứng trước nguy cơ không thể thu hồi.

Ít ngày qua, câu chuyện về hoạt tình hình hoạt động của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục trở thành một chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của báo chí. Tại cuộc họp tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 26.3 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 12 dự án yếu kém đã chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó “Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 phải xử lý sớm vì để lâu sẽ gây thất thoát rất lớn, sáng ngủ dậy đã mất 1,6 tỷ đồng lãi vay”.

Bài toán khó tại Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị kiểm toán từng nhấn mạnh các vấn đề liên quan tới Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên. Theo đó, dự án có tổng chi phí đầu tư dự toán ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104,91 tỷ đồng. Triển khai từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án này tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.888 tỷ đồng.

Sáng ngủ dậy mất 1,6 tỷ lãi vay, Gang thép Thái Nguyên hy vọng lãi "khủng" năm 2019 - 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 phải xử lý sớm vì để lâu sẽ gây thất thoát rất lớn, sáng ngủ dậy đã mất 1,6 tỷ đồng lãi vay”.

Ngày 20.2.2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên. Kiểm toán viên cho biết, căn cứ theo kết luận và các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các khoản mục liên quan đến dự án được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất có thể bị điều chỉnh khi các kiến nghị trên được thực hiện.

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421.522 triệu đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng, tương đương lãi vay phải trả hiện lên tới trên 40 tỷ đồng/tháng. Trong đó, TISCO thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, tương ứng 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD, tương ứng 92,89%).

Ngoài ra, TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (gồm 42 xe ô tô có tổng trị giá 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, gây thiệt hại vốn đầu tư.

Khó khăn đối với Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 không chỉ dừng lại ở đây. Việc xử lý hợp đồng với các nhà thầu EPC tại các dự án lại đang gặp rất nhiều vướng mắc. Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, dự án không đàm phán được với nhà thầu MCC (Trung Quốc) vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Hiện nay, Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.

Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng phía Tổng công ty Thép VN phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng công ty.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN