Sáng mai đấu thầu vàng lần 6, giá cọc tới 88 triệu đồng/lượng
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, sáng mai (14/5) sẽ tiếp tục thực hiện đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá cọc được nâng lên 88 triệu đồng/lượng.
Tại thông báo của Ngân hàng Nhà nước về đấu thầu vàng miếng lần thứ 6, khối lượng vàng đấu thầu giữ nguyên như các lần trước với 16.800 lượng vàng. Tuy nhiên, giá cọc được nâng lên 88 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,7 triệu đồng/lượng so với giá cọc của cuộc gọi thầu lần 5.
Trong phiên đấu thầu ngày mai, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu tối thiểu còn 5 lô (tương đương 500 lượng vàng), giảm 2 lô so với gọi thầu lần 5 và giảm 9 lô so với các phiên trước. Khối lượng đấu thầu tối đa 40 lô (tương đương 4.000 lượng).
Giá cọc đấu thầu vàng miếng sáng mai lên tới 88 triệu đồng/lượng.
Từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tổ chức thành công 2 phiên đấu thầu. Một số phiên khác dự kiến tổ chức đã không thực hiện được do không đủ số thành viên đăng ký và đặt cọc hoặc có phiên chỉ có một thành viên nộp phiếu dự thầu.
2 phiên đấu thành công mới cung được 6.800 lượng vàng ra thị trường. Tuy nhiên, cứ sau mỗi phiên đấu thầu giá vàng miếng SJC lại tăng vọt.
Với mức giá cọc gọi thầu ngày mai chỉ thấp hơn so với giá bán ra thị trường khoảng 2 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vào lúc 14h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 87,5 - 90 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Với mức giá trên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu đấu thầu vàng để thị trường bình ổn giá sẽ không thực hiện được.
Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một tuần biến động giá dữ dội, liên tục các kỷ lục về giá được xác lập. Ngày đỉnh điểm, giá vàng chạm ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng 4 triệu đồng/lượng sau một ngày.
Theo nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cốt cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này chỉ nên quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, không nên trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất, nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Thị trường vàng nên trả lại cho các doanh nghiệp được quyền nhập khẩu vàng và quản lý bằng thuế.
Trong phiên giao dịch sáng nay (13/5), giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, liên tục giảm mạnh rồi lại quay đầu tăng. Giữa lúc giá vàng tăng giảm bất thường, nhiều cửa hàng ngừng bán ra dù vẫn còn vàng trong quầy.
Nguồn: [Link nguồn]