Rút từ thẻ tín dụng 70 triệu đồng, sau 4 năm nợ hơn 832 triệu đồng: Người vay cầu cứu
Ngày 06/8/2024, ông Lương Quốc Thái (SN 1963, ngụ P17, Q.Phú Nhuận) và vợ đến Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM trình bày về việc một ngân hàng tính lãi thẻ tín dụng quá cao. Ông rất mong phía ngân hàng xem xét, xử lý cách tính lãi vì số tiền nợ hiện nay quá sức so với kinh tế gia đình lao động đang trong cảnh khó khăn chồng chất, mất khả năng thanh toán.
Theo đó, đầu năm 2020, do nhu cầu chữa bệnh nên ông Thái bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Vân đem thế chấp căn nhà hai vợ chồng đang ở tại số 69/27 Cao Thắng, P17, Q.Phú Nhuận. Ngày 08/01/2020, vợ chồng ông ký hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - Chi nhánh Chợ Lớn để thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, được giải ngân số tiền vay là 2 tỷ đồng.
Ông Thái trình bày, tại thời điểm giải ngân số tiền thế chấp căn nhà trên, vợ chồng ông được nhân viên ngân hàng tư vấn mở thêm thẻ tín dụng với hạn mức 70 triệu đồng nhằm tăng số tiền được vay. Do không được tư vấn kỹ về cách thức sử dụng cũng như quy định về sử dụng hạn mức thẻ tín dụng nên ông Thái ký thêm hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng theo hạn mức của ngân hàng.
Thông báo dư nợ cuối kỳ
Vợ chồng ông Thái trình bày sự việc
Sau khi ký khoản vay thế chấp căn nhà, vợ chồng ông Thái trả lãi và gốc hàng tháng cho ngân hàng khoảng hơn 20 triệu đồng. Được khoảng 6 - 7 tháng, do tình hình dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khiến việc buôn bán của vợ chồng ông gặp khó khăn dẫn đến không có khả năng thanh toán các khoản lãi định kỳ cho ngân hàng. Sau đó, ngân hàng mời vợ chồng ông lên làm việc. Tại đây, vợ chồng ông Thái trình bày do dịch bệnh nên việc mua bán gặp khó khăn, hai vợ chồng không có nguồn thu nên không thể thanh toán khoản vay.
Đến cuối tháng 7/2024, vợ chồng ông Thái dự định bán căn nhà đang thế chấp ngân hàng nhằm mục đích giải ngân khoản vay thế chấp nhà cho ngân hàng. Khi vợ chồng ông đến ngân hàng đề nghị tất toán khoản vay thì được nhân viên thông báo, ngoài khoản vay thế chấp căn nhà sau tính toán các khoản lãi chậm trả phát sinh là hơn 2,1 tỷ đồng, thì còn một khoản vay khác phát sinh từ thẻ tín dụng lên đến hơn 830 triệu đồng.
Quá bất ngờ trước số tiền nợ thẻ lớn như vậy, vợ chồng ông Thái đề nghị nhân viên ngân hàng sao kê giao dịch tài khoản thẻ. Theo diễn giải trong lịch sử giao dịch hàng tháng, mặc dù ông Thái là chủ thẻ tín dụng cho rằng mình không sử dụng nhưng đều phát sinh tiền phí và lãi hàng tháng, tháng sau cộng tháng trước... Qua bản sao kê, dư nợ cuối kỳ của thẻ tín dụng đứng tên ông Thái tính đến cuối tháng 7/2024 lên đến hơn 832 triệu đồng.
Ông Thái cho biết: "Từ số tiền định mức thẻ tín dụng 70 triệu đồng, sau 4 năm tôi không hề sử dụng số nợ và lãi phát sinh đã lên đến hơn 832 triệu đồng và còn có thể tăng cao hơn nữa vào thời gian tới, khiến vợ chồng tôi không có khả năng thanh toán số tiền lớn như vậy. Tôi rất mong phía ngân hàng xem xét, giảm nhẹ cách tính toán các khoản lãi phát sinh thẻ tín dụng của tôi để giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn hiện tại, yên tâm điều trị bệnh".
Lãi suất cho vay giảm liên tiếp qua loạt gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng góp phần kích thích nhu cầu vay vốn, tín dụng thoát đà giảm trong tháng...
Nguồn: [Link nguồn]