Rút bảo hiểm xã hội một lần thay vì chờ lương hưu: Lợi thực tại, hại tương lai

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từ sau Tết đến nay, số lượng công nhân, người lao động (NLĐ) nhiều tỉnh thành phía Nam đổ xô làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, khiến cơ quan BHXH tại một số đơn vị quá tải.

Chờ 60 tuổi: Đến bao giờ?

Tại TPHCM, những ngày gần đây, khá đông NLĐ nộp hồ sơ xin rút tiền BHXH một lần tại các cơ quan BHXH quận, huyện ở như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân, quận 12, TP Thủ Đức (TPHCM). Cầm xấp hồ sơ chờ làm thủ tục này sáng 18/4 tại quận Bình Tân, chị Ong Thị Nhi (40 tuổi, quê An Giang) nói: “Tôi có hơn 10 năm làm công nhân. Dịch bệnh, việc làm bấp bênh nên theo chồng về quê. Nhưng ở quê cũng khó khăn, vay mượn tùm lum nên lại bồng bế con lên thành phố. Hiện, kinh tế gia đình do một mình chồng gồng gánh, vì vậy tôi muốn rút BHXH một lần để trang trải nợ nần, còn chút ít sẽ làm vốn buôn bán. Cuộc sống khó khăn, mình lại lớn tuổi nên có đồng nào đỡ đồng nấy”.

Khá đông NLĐ làm thủ tục tại BHXH TP Thủ Đức sáng 18/4. Ảnh: U.P

Khá đông NLĐ làm thủ tục tại BHXH TP Thủ Đức sáng 18/4. Ảnh: U.P

Tại TP Thủ Đức, nhiều người đến BHXH TP Thủ Đức từ 5 giờ sáng để chờ lấy số thứ tự nộp hồ sơ nhận BHXH một lần. Nhìn lượng xe xếp hàng dài, ông Lê Văn Bình (50 tuổi, quê An Giang) ngao ngán: “Đưa con đến trường rồi tôi mới đến được đây nhưng không biết còn số không. Hai năm qua thất nghiệp, tôi gắng gượng mãi nhưng giờ không thể xoay xở được nữa mới nghĩ đến chuyện rút BHXH để có chút tiền mà sống. Cũng biết khi rút hết một lần thì mình mất nhiều quyền lợi nhưng không còn cách nào khác”.

Còn tại Bình Dương, từ sau Tết 2022 đến nay, mỗi ngày có từ 500-1.000 NLĐ đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký nhận BHXH một lần và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nói về lý do đăng ký rút tiền BHXH một lần, anh Phạm Văn Thanh (làm việc tại Bình Dương) cho hay: “Tôi năm nay 38 tuổi, tham gia BHXH được 5 năm. Để đủ 60 tuổi theo quy định mới nhận lương hưu thì rất lâu, trong khi bản thân đang cần tiền chữa bệnh. Rút ra một lần khoảng hơn 20 triệu giúp tôi giải quyết khó khăn trước mắt”.

Ngồi chờ gần 3 tiếng đồng hồ mới hoàn tất thủ tục đăng ký nhận BHXH một lần, anh Nguyễn Văn Nam (quê Thanh Hóa, công nhân may tại Bình Dương) chia sẻ: “Cách đây một năm tôi từng đi làm thủ tục nhận BHTN rồi và đó là lần bất đắc dĩ do dịch bệnh. Bây giờ tôi lại đến để xin rút hết tiền BHXH, đơn giản vì chưa từng nghĩ đến lương hưu. Vài chục triệu đồng bây giờ đối với tôi rất lớn vì tôi đang có kế hoạch khác”. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Vân (quê Hà Tĩnh, sống tại Bình Dương) cho biết thêm, sau 6 năm làm việc tại công ty tài chính, chị đã quyết định đi đăng ký rút BHXH một lần. “Tôi lấy chồng, sinh con và ở nhà mở quán tạp hóa. Tôi rút tiền BHXH 1 lần vì nghĩ từ nay sẽ làm việc tự do”, chị Vân nói.

Bảo hiểm xã hội chưa hấp dẫn người lao động

Theo lãnh đạo BHXH TPHCM, thời gian tới, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Việc sửa đổi chính sách BHXH sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) NLĐ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ.

Người lao động thiệt đủ đường

Theo BHXH TPHCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Theo tính toán của ngành BHXH, nếu một NLĐ có 20 năm đóng BHXH (từ năm 2001-2020), với mức tiền lương bình quân đóng là 4 triệu đồng/tháng và người này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022 thì nếu nhận BHXH một lần, người này sẽ được 134 triệu đồng đối với cả lao động nam và lao động nữ. Tuy nhiên, nếu để nhận lương hưu thì lao động nam (với tuổi thọ trung bình là 71 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 257 triệu đồng, nhiều hơn hơn 123 triệu đồng so với nhận BHXH một lần. Còn đối với lao động nữ (với tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 589 triệu đồng, nhiều hơn hơn 455 triệu đồng so với nhận BHXH một lần.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM cho hay, việc nhận BHXH một lần khiến NLĐ rất thiệt thòi vì số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của NLĐ bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Ngoài ra, thời gian đóng BHXH của NLĐ đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Bên cạnh đó, NLĐ cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần (không được hoàn trả BHXH một lần đã nhận). Không có lương hưu hằng tháng thì khi về già, NLĐ phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động.

“NLĐ không nên nhận trợ cấp một lần, mà nên tích lũy thời gian để hưởng chế độ hàng tháng. Các DN nên tạo điều kiện để NLĐ có việc làm, có thu nhập. Nhà nước và các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham mưu Chính phủ có quỹ nhằm tạo điều kiện cho NLĐ vay vốn ưu đãi, không lãi suất, có kế sinh nhai…” - ông Mến khuyến nghị và nói thêm, “quỹ BHXH không thể vỡ do kết dư của quỹ rất lớn nên NLĐ cứ yên tâm”.

Vận động

Người lao động làm thủ tục nhận BHXH ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Người lao động làm thủ tục nhận BHXH ở Bình Dương. Ảnh: H.C

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương thông tin, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có khoảng 60.000 người nộp hồ sơ nhận BHXH một lần, trong đó có tháng số người đăng ký vượt 7.000 trường hợp. Con số này có tăng, nhưng không phải đột biến so với số lượng lớn NLĐ kết thúc hợp đồng lao động sau đợt dịch thứ 4 vừa qua. “Thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền để NLĐ hiểu những thiệt thòi về lâu dài khi rút BHXH một lần. Trường hợp NLĐ không đi làm việc nữa vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và tham gia BHYT hộ gia đình” - bà Lý nói.

Để vận động NLĐ hạn chế rút BHXH một lần, Bình Dương cử cán bộ ngành BHXH trực tiếp đến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX); phối hợp với Ban quản lý các KCN-KCX truyền thông trực quan bằng tờ rơi, tờ gấp, đăng trên bảng tin, phát phóng sự ngắn trên bảng điện tử của các doanh nghiệp.

Anh Phạm Văn Thanh (làm việc tại Bình Dương) cho hay: “Tôi năm nay 38 tuổi, tham gia BHXH được 5 năm. Để đủ 60 tuổi theo quy định mới nhận lương hưu thì rất lâu, trong khi bản thân đang cần tiền chữa bệnh. Rút ra một lần khoảng hơn 20 triệu giúp tôi giải quyết khó khăn trước mắt”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày cuối cùng nhận hồ sơ hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp: Còn hàng triệu người chưa gửi hồ sơ

Hôm nay (ngày 20/12) là hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tất cả người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ (gói...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương - Hương Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN