Rủi ro phá sản đối với doanh nghiệp đang gia tăng vì dịch Covid-19
Tiến sĩ Lê Đức Hoàng đưa ra 4 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19.
Tiến sĩ Lê Đức Hoàng và nhóm giảng viên thuộc Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp – Viện Ngân hàng tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân
Tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam. Theo số liệu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khảo sát, công bố đầu tháng 3/2020, khoảng 74% trong số 1.200 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
PV đã trò chuyện với Tiến sĩ Lê Đức Hoàng và nhóm giảng viên thuộc Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp – Viện Ngân hàng tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân về thực trạng cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông, những ngành, lĩnh vực nào có thể bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ khủng hoảng của đại dịch Covid-19?
Do thị trường đầu ra thu hẹp, đa số doanh nghiệp (DN) bị giảm doanh số, mất doanh thu. Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 DN cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6/2020, có 30% DN bị giảm từ 20% đến 50% doanh thu và có tới 60% DN giảm hơn một nửa doanh thu, tập trung vào các ngành dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, bán lẻ, kinh doanh ăn uống, nông nghiệp, giáo dục...
Cụ thể, đối với ngành dệt may: Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7%. Đối với ngành du lịch, dịch vụ lưu trú: Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2020 giảm 37,7% so với tháng 1/2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019, Tổng cục Du lịch ước tính ngành này giảm doanh thu 7 tỷ USD do dịch bệnh.
Đối với ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống: Theo báo cáo của công ty chứng khoán Yuanta, tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2020 chỉ tăng trưởng 8,3%, giảm so với mức 12,2% của năm 2019. Cộng thêm hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3.000 ngàn hộ), chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đối với ngành nông nghiệp, thủy sản xuất khẩu: Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; thủy sản chỉ ước đạt hơn 930 triệu USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với ngành giáo dục: Theo kiến nghị của tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3/2020, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%.
Đối với ngành vận tải, logistics: Trên cơ sở số liệu thống kê số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển Việt Nam của quý I/2020 so với quý I/2019 giảm khoảng 15%, chủ yếu các tuyến từ Trung Quốc - Việt Nam. Riêng đối với tàu biển chở hành khách từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020 do tác động của dịch Covid-19.
Nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hậu quả gì, thưa ông?
Doanh nghiệp khó khăn, đầu tiên do thị trường đầu ra như tôi đã nói ở trên.
Theo Tổng Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2020, có 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng đó, nguồn cung nguyên vật liệu của một số DN bị hạn chế khiến yếu tố đầu vào không đủ hoặc bị tăng giá. Theo Bộ Công Thương, các DN điện tử, dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô tô chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Đáng ngại hơn, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ nước này có thể sẽ tăng lên so với trước đây.
DN kinh doanh thua lỗ nên thiếu hụt dòng tiền, nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao.Theo báo cáo của 23 tổ chức tín dụng gửi NH Nhà nước, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Phần lớn DN Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, hoặc siêu nhỏ. Khi khủng hoảng diễn ra, tác động đầu tiên tới các DN này là gián đoạn hoạt động ngắn hạn, thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa giải thể. Vì vậy, việc hỗ trợ dòng tiền và tiếp cận vốn đối với các DN, đặc biệt cho một số ngành, lĩnh vực kinh doanh đặc thù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu là cần thiết. Sự bùng nổ của dịch Covid-19 có thể làm suy giảm khả năng tài chính của một doanh nghiệp nhỏ để lập bảng lương, duy trì hàng tồn kho và đáp ứng với biến động của thị trường (cả nhu cầu giảm đột ngột và tăng đột biến).
Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp tài chính gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
Thứ nhất, Chính phủ cần hỗ trợ DN và khách hàng thanh toán tiền hàng hóa bằng phương thức điện tử, phù hợp với điều kiện hiện nay. Từ ngày 25/2/2020, NAPAS đã miễn, giảm phí chuyển mạch thanh toán liên NH nhưng tính đến ngày 6/3/2020 mới có 32/45 NHTM theo đó miễn, giảm phí chuyển tiền và chưa áp dụng đầy đủ với tất cả các kênh giao dịch: qua quầy, 24/7, chuyển tiền qua Internet/Mobile/ATM. Nên đề nghị tất cả các NHTM thực hiện giảm/miễn phí chuyển tiền của cá nhân, DN trên tất cả các kênh với mức giảm sâu hơn nữa, kéo dài đến hết tháng 6/2020 hoặc lâu hơn (căn cứ vào thời gian được NAPAS hỗ trợ).
Thứ hai, cần ổn định giá các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh: Ngày 11/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 06/2020/CT-BCT yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa tăng giá điện trong quý I và quý II năm 2020. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hết quý II năm 2020 như kịch bản 2 của bộ KH&ĐT, nên kéo dài thời hạn trì hoãn tăng giá điện đến hết năm 2020.
Thứ ba, hỗ trợ DN giảm hoặc trì hoãn việc thanh toán các chi phí cố định như lãi vay, thuế, bảo hiểm, kinh phí công đoàn trong cả giai đoạn dịch (để hỗ trợ DN duy trì/cầm cự hoạt động) và sau dịch (để hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi về mức trước dịch và cao hơn).
Cần xem xét mở rộng chính sách ưu đãi thuế có chọn lọc, áp dụng với một số đối tượng như du lịch, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu nông, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng, bao gồm giảm thuế xuất khẩu hàng hóa từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020 để DN có lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế; Giảm hoặc miễn một số loại thuế từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020 để góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh:
Du lịch là một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, hoặc kinh doanh cầm chừng, song vẫn phải chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, thay vì giãn nộp thuế, hoãn thuế, cơ quan thuế cần đưa ra phương án giảm thuế, miễn thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Thời gian kéo dài giảm và miễn thuế tới hết năm 2020 để giúp các DN này phục hồi lại hoạt động kinh doanh.
Không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các DN vận tải cũng chịu tác động mạnh mẽ do người dân hạn chế đi lại. Ngoài việc giảm giá dịch vụ cầu đường, cảng phí để giảm chi phí lưu thông, Hiệp hội Logistics cũng đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 để giúp các doanh nghiệp trong hiệp hội vượt qua khó khăn.
Đối với tiền thuê đất của nhà nước: Đến ngày 10/3/2020, Bộ Tài chính mới có dự thảo trình Chính phủ về việc cho phép giãn thời hạn nộp tiền thuê đất thêm 5 tháng, đề nghị nhanh chóng ban hành thành quy định cụ thể, đồng thời, xem xét bổ sung một số đối tượng được ưu tiên miễn/giảm tiền thuê đất từ tháng 3/2020 đến hết tháng 12/2020.
Đối với bảo hiểm xã hội: Đến ngày 20/3, Bộ LĐTB&XH mới trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hỗ trợ DN là tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Do đó cần nhanh chóng cụ thể hóa đề xuất này thành quyết định rõ ràng.
Đối với kinh phí công đoàn: Đến ngày 20/3 Bộ LĐTB&XH mới bàn với Tổng LĐLĐ Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng kinh phí công đoàn cho các DN theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn. Đề nghị nhanh chóng cụ thể hóa thành quyết định rõ ràng, cho phép dừng đóng kinh phí công đoàn từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.
Đối với các khoản phí, lệ phí khác: Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị 06/2020/CT-BCT, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 11/CT-TTg trong đó yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Thứ tư, hỗ trợ vốn cho các DN duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh: Theo thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhiều NHTM đã cung cấp các gói cho vay hỗ trợ DN nhưng nhìn chung mức lãi suất giảm bình quân chỉ từ 0,5% đến 1%/năm và kéo dài đến ngày 30/6/2020 được đánh giá là chưa đủ mạnh và đủ lâu để hỗ trợ DN duy trì hoạt động trong dịch và khôi phục sau dịch vì mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại vốn đã cao. Nên đề nghị các NH giảm lãi suất cho vay nhiều hơn và kéo dài đến hết tháng 12/2020, mục đích vay vốn cũng cần mở rộng, bao gồm cả mục đích vay để trả lương, trợ cấp cho người lao động, nộp thuế, bảo hiểm trong giai đoạn DN kinh doanh thua lỗ vì dịch bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: [Link nguồn]