Rủi ro nhượng quyền nhìn từ vụ Mixue

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mô hình nhượng quyền thương hiệu đang phát triển mạnh, nhất là ở thị trường dịch vụ ăn uống (F&B). Song, trước khi quyết định xuống tiền, nhà đầu tư cần hiểu rõ, lường trước rủi ro nếu không muốn nhận trái đắng

Mới đây, Công ty Mixue Việt Nam áp dụng chính sách giảm 25% giá bán sản phẩm nhằm tăng thị phần nhưng chỉ giảm 10% giá nguyên liệu. Ngay sau đó, hàng trăm chủ cửa hàng trong chuỗi nhượng quyền của Mixue từ nhiều tỉnh, thành tập trung tại trụ sở chính của Mixue tại Hà Nội để phản ánh về chính sách trên.

Doanh nghiệp giảm giá, nhà đầu tư chịu lỗ

Mixue là thương hiệu kem tươi và đồ uống từ trà của Trung Quốc, đến Việt Nam từ năm 2018 với sản phẩm chủ đạo là cây kem tươi, trà sữa phân khúc giá rẻ. Chỉ sau 5 năm thâm nhập thị trường Việt Nam, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại 43 tỉnh, thành Việt Nam.

Theo các nhà đầu tư nhận nhượng quyền thương hiệu Mixue, nếu áp dụng chính sách giảm giá nêu trên, nhà đầu tư sẽ bị thu hẹp biên lợi nhuận, thậm chí phá sản trước khi thu hồi vốn mua nhượng quyền ban đầu là 1,1-1,3 tỉ đồng (chưa kể phí hoạt động cố định hằng tháng). Phản hồi thông tin này, đại diện Công ty Mixue Việt Nam cho biết mọi vướng mắc đã được giải đáp trong cuộc họp đối thoại trước đó với các chủ đầu tư và mong "hãy thông cảm cho công ty".

Khách hàng mua thức uống tại một cửa hàng Mixue. Ảnh: THÙY LINH

Khách hàng mua thức uống tại một cửa hàng Mixue. Ảnh: THÙY LINH

Chia sẻ với Báo Người Lao Động, chị Phạm Diễm, chủ 11 cửa hàng nhượng quyền Mixue ở TP HCM, cho biết đang rất bế tắc trong việc kinh doanh vì chính sách giảm giá của Mixue không thay đổi. 

Ông Nguyễn Trung, một nhà đầu tư nhận nhượng quyền thương hiệu Mixue có 2 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng ở Quảng Ninh, cho biết nếu không thực hiện theo các chính sách giảm giá, các chủ cửa hàng sẽ bị phạt hàng triệu đồng vì vi phạm hợp đồng. Vì vậy, dù rất bức xúc trước quyết định mới của Mixue song các chủ đầu tư buộc phải thực hiện.

Từ câu chuyện Mixue, ông Bùi Thanh Cao, chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền, phân tích mỗi doanh nghiệp có chính sách bán hàng, marketing khác nhau, tùy vào tình hình kinh doanh thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. 

Tuy nhiên, các bên phải tuân thủ các điều khoản về giá bán lẻ, giá bán nguyên vật liệu, tỉ lệ lãi gộp (tỉ lệ phần trăm còn lại sau khi trừ chi phí nguyên liệu so với giá bán lẻ) và đặc biệt là tỉ lệ lợi nhuận của nhà đầu tư nhận quyền thương hiệu để bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên. Dựa vào các điều khoản đã ký, các bên nên ngồi lại làm rõ trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp.

Nhận diện rủi ro từ hợp đồng

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hồ Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM), điều hành tại Công ty HT Partners Law&IP, cho biết: Những thỏa thuận như áp giá bán hàng hóa, giảm/tăng giá nguyên vật liệu... một khi đã được thống nhất và quy định rõ trong hợp đồng thì các bên phải tuân thủ, trừ trường hợp thỏa thuận đó trái quy định pháp luật.

Do vậy, việc xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là trong hoạt động nhượng quyền về việc định giá bán như thế nào, có được quyết định giá bán không, việc tăng, giảm chi phí có sự đồng ý của bên còn lại không... là rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ các điều khoản ràng buộc khác có dẫn đến nội dung quyết định giá bán, chi phí nguyên vật liệu và các chi phí khác được quy định trong hợp đồng mà bên nhượng quyền đưa ra để xem liệu có bất lợi hay rủi ro nào có thể sẽ gặp phải sau khi ký hợp đồng hay không, sẽ giúp kiểm soát chi phí của bên nhận quyền khi nắm rõ các chi phí này.

"Nếu không rõ hoặc không hiểu nội dung trong điều khoản của hợp đồng nói gì, bên nhận nhượng quyền nên tham vấn ý kiến của luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực này để có đánh giá pháp lý toàn diện, nhận diện các rủi ro và đưa ra các tư vấn phù hợp cho mình trước khi đặt bút ký vào hợp đồng" - luật sư Thảo khuyến cáo.

Chuyên gia Hoàng Tùng - F&B, nhà sáng lập Pizza Home, chỉ ra rằng phần lớn người mua nhượng quyền tại Việt Nam nhìn vào cơ hội mà ít nhìn vào rủi ro. Cũng có một số thương hiệu khi truyền thông về nhượng quyền đã tô hồng phần cơ hội. Điều này khiến người mua nhượng quyền đặt kỳ vọng cao, đến khi kinh doanh không đạt thì xảy ra tranh chấp.

"Tại thị trường Việt Nam hiện nay có nhiều thương hiệu thành công, nhưng cũng có nhiều thương hiệu lừa đảo, đội lốt nhượng quyền. Do vậy, nhà đầu tư cần nhận diện đâu là mô hình nhượng quyền tốt trước khi quyết định rót vốn. Nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ, tuyệt đối không tin vào lời chào mời mua thương hiệu của nhân viên bán hàng. Họ có thể nói sau 6 tháng hoàn vốn nhưng chỉ là lời hứa hẹn không có tính pháp lý" - ông Hoàng Tùng nhấn mạnh. 

Phải cân nhắc tính khả thi của mô hình

Theo các chuyên gia nhượng quyền, để thương hiệu thành công cần có sự đồng hành giữa người bán và người mua nhượng quyền từ sản phẩm, vận hành đến bán hàng.

Chuyên gia Bùi Thanh Cao nêu kinh nghiệm: để tránh trường hợp đầu tư số tiền quá lớn nhưng thời gian hòa vốn lâu, nhà đầu tư trước khi nhận nhượng quyền phải khảo sát những cửa hàng đang kinh doanh của thương hiệu trên trong vài tuần để nắm rõ lượng khách thực tế. Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu quy trình chế biến sản phẩm có dễ bị sao chép không, sản phẩm có yếu tố bí quyết công nghệ không, vòng đời sản phẩm có dài không...

"Nếu vòng đời sản phẩm chỉ từ 6-12 tháng thì phải cân nhắc tính khả thi của mô hình. Lãi gộp của ngành F&B thường từ 45%-70%, tùy vào mô hình, nếu dưới mức này rủi ro rất cao" - ông Cao nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản vì khoản nợ 20 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai làm ăn ra sao?

Đức Long Gia Lai giải trình đang gặp khó khăn tài chính tạm thời song khẳng định công ty không bị mất khả năng thanh toán, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN