Quỹ nghìn tỷ không hiệu quả, làm gì để tránh lãng phí?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dự kiến đến cuối năm 2024, các quỹ tài chính nhà nước (TCNN) ngoài ngân sách do Trung ương quản lý khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Hằng năm, cơ quan chức năng rà soát, loại bỏ quỹ không hiệu quả, trùng lặp. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài loại bỏ quỹ không cần thiết, cần có giải pháp giúp quỹ hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí.

Giăng mắc nhiều loại quỹ

Hiện có hàng chục loại quỹ TCNN ngoài ngân sách tồn tại, từ cấp Trung ương tới phường/xã quản lý. Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Ngân sách, quỹ dạng này, gồm: quỹ do trung ương quản lý và do địa phương quản lý. Bộ ngành, cơ quan trung ương rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động quỹ thuộc phạm vi quản lý.

Quỹ bảo hiểm xã hội có số dư hơn 1,2 triệu tỷ đồng và là quỹ TCNN lớn nhất hiện nay (Ảnh minh họa)

Quỹ bảo hiểm xã hội có số dư hơn 1,2 triệu tỷ đồng và là quỹ TCNN lớn nhất hiện nay (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước có 22 quỹ TCNN do Trung ương quản lý với số dư khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Năm 2024, số thu quỹ khoảng 580.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu cấp và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 50.000 tỷ đồng và chủ yếu chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với người hưởng lương hưu.

Các quỹ có thu chi lớn, tiêu biểu như: Quỹ bảo hiểm xã hội (số thu 1,23 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 80% số dư quỹ tại Trung ương); Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ tích lũy trả nợ; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ vắc-xin phòng COVID-19.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài 22 quỹ TCNN do Trung ương quản lý, mỗi địa phương có nhiều loại quỹ khác nhau như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Thậm chí ở nhiều địa phương khó khăn, quỹ tài chính nhà nước vẫn “nở rộ”. Như tại Sơn La đang có khoảng 20 loại quỹ tài chính. Nhiều loại quỹ trùng tên, do cấp huyện và cấp tỉnh quản lý riêng biệt như: Quỹ vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ hỗ trợ hội nông dân, Quỹ giải quyết việc làm địa phương…

Cần loại bỏ quỹ không cần thiết

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Luật Ngân sách quy định, Bộ Tài chính báo cáo số liệu của quỹ NSNN do Trung ương quản lý, quỹ thuộc địa phương do UBND báo cáo HĐND cấp tương ứng. Hằng năm, Bộ Tài chính rà soát và loại bỏ nhiều quỹ không còn phù hợp. Với quỹ do Trung ương quản lý, cơ quan chức năng loại bỏ một số không còn phù hợp như Quỹ Bảo trì đường bộ.

“Quỹ tại địa phương do HĐND quyết định có duy trì tiếp hay không. Mỗi địa phương có đặc thù riêng. Cùng một loại quỹ nhưng có địa phương hoạt động hiệu quả, có nơi không hiệu quả. Hằng năm, các cấp chính quyền quản lý quỹ đều phải báo cáo kết quả hoạt động của các quỹ NSNN, rà soát, loại bỏ quỹ không cần thiết”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Trong những năm qua, cơ quan chức năng đã giải thể, sáp nhập các quỹ gồm: Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các quỹ có đặc thù khác nhau, cần làm rõ nguồn hình thành, sử dụng, chi tiêu, và quản lý như thế nào để không thất thoát. Có quỹ từ tiền ngân sách nhà nước, nhưng có quỹ hình thành từ tiền các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đóng góp.

Cũng theo ông Long, một số quỹ ngoài ngân sách Nhà nước đã bị loại bỏ. Nhiều ý kiến cũng đang đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Với những quỹ còn tồn tại, ông Long cho rằng phải xem xét lại nguồn hình thành, nguyên tắc sử dụng, quản lý.

Việc vận hành các quỹ ngoài ngân sách cũng là vấn đề làm nóng nghị trường. Tại phiên họp toàn thể, thẩm tra về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), đề nghị tổng kết các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách, xem đã huy động nguồn lực như thế nào, có hiệu quả hay không, để làm cơ sở xem xét việc thành lập quỹ khác.

Trước đó, tháng 9/2023, báo Tiền Phong có loạt bài “Nghìn tỷ chôn tại các quỹ ngoài ngân sách”. Loạt bài phản ánh tình trạng hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ đang “nằm chết” tại các quỹ ngoài ngân sách và được những người quản lý đem đi gửi ngân hàng thay vì đưa vào nền kinh tế.

Số dư của 22 quỹ TCNN năm 2024 khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Các quỹ có thu chi lớn, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ tích lũy trả nợ; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ vắc-xin phòng COVID-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau nhiều tháng đứng ở mức thấp, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng trở lại. Tuy mức điều chỉnh chưa cao nhưng nhiều đánh giá cho rằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo và thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh - Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN