Quy lãi suất cao là tín dụng đen là sai lầm!

Bộ Luật hình sự đang “nhầm lẫn” trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Không có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen mà chỉ hướng tới việc xử lý hoạt động cho vay mà lãi suất cao hơn 5 lần lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Phát biểu tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra ngày 15/3, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, gần đây tình trạng tín dụng đen đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu này. Hệ lụy của tín dụng đen đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của tín dụng đen và không được pháp luật hỗ trợ.

Quy lãi suất cao là tín dụng đen là sai lầm! - 1

Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm, TS.Cấn Văn Lực dẫn số liệu của StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè, hoặc tín dụng đen. Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp.

Trong khi đó, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm 8%. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.

LS. Trần Minh Hải, Công ty Luật Basico cũng cho rằng, liên quan đến tín dụng đen có đủ loại vụ việc phạm tội như lừa đảo, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, giết người… Nhưng vì sao người dân vẫn lao vào tín dụng đen?

LS Hải chỉ ra, điểm mạnh vượt trội của tín dụng đen là giải quyết nhu cầu vay vốn. Tín dụng đen đáp ứng mọi nhu cầu của người vay, thậm chí người vay không cần nêu rõ nhu cầu vay. Người đi vay không gặp những bất cập về thủ tục, hồ sơ vay.

Quy lãi suất cao là tín dụng đen là sai lầm! - 2

Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng- giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, LS. Trần Minh Hải cũng cho rằng, Bộ Luật hình sự đã “nhầm lẫn” trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Không có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen mà chỉ hướng tới việc xử lý hoạt động cho vay mà lãi suất cao hơn 5 lần lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, bởi mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm.

“Tín dụng đen là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay… Có 1 sự thật, hệ thống pháp luật của chúng ta liên quan đến tín dụng đen đang chống nhầm mục tiêu”, ông nói.

 Theo ông, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Bởi việc can thiệp sẽ khiến mọi tổ chức cho vay hợp pháp chùn bước, dẫn đến tín dụng đen có sân chơi độc quyền, sẵn sàng vượt qua giới hạn trên.

Thực tế, có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ. Chẳng hạn, đến hạn trả 100 triệu đồng để chuộc lại tài sản có giá 2 tỷ đồng, thì người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm % một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị.

“Nếu chống tín dụng đen phải hiểu rõ tín dụng đen là gì. Thực tế, bà con đi vay cần biết mỗi ngày, mỗi tuần họ phải đóng bao nhiêu tiền, chứ họ không quan tâm lãi suất bao nhiêu đâu”.

Vì thế, theo ông nên bỏ giới hạn về lãi suất cho vay trong quy định của Bộ luật Dân sự, hợp pháp hóa các hoạt động tín dụng chưa hợp pháp nhưng không phải là tín dụng đen.

Còn ông Nguyễn Tú Anh Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng: “Trong xã hội, tín dụng đen luôn tồn tại, không thể xóa được tín dụng đen. Do đó phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận tín dụng đen và các hệ lụy mà loại hình này mang lại”,

Để hạn chế tín dụng đen, theo bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế-Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, nên mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN