Quy định mới khi chuyển tiền từ ngày 1/7
Theo quy định mới, từ ngày 1/7 tới những trường hợp chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận.
4 trường hợp bị phong tỏa tài khoản
Nghị định số 52/2024 vừa ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán. Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Chuyển tiền nhầm có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản bên nhận.
Theo nghị định trên, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Thứ hai, khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;.
Thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Thứ tư, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định cũng quy định việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện: Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền; khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định nêu rõ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi: Chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán; chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết; tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán; các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng nói gì?
Các ngân hàng thương mại cho biết, nếu chuyển khoản nhầm cho người khác, bạn nên liên hệ ngay với ngân hàng giao dịch để xác minh việc giao dịch nhầm lẫn.
Ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra giao dịch đã phát sinh trên. Nếu xác nhận được thông tin giao dịch là lỗi từ phía ngân hàng, do nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành yêu cầu phong tỏa số tiền đã gửi vào tài khoản của người nhận.
Nếu xác nhận được thông tin giao dịch hoàn toàn trùng khớp với lệnh thanh toán của khách hàng thì ngân hàng không có quyền phong tỏa tiền chuyển nhầm hay hoàn trả lại. Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cung cấp thông tin của bên nhận chuyển khoản nhầm cho khách hàng theo quy định.
Tuy nhiên, ngân hàng có thể sẽ hỗ trợ bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền. Sau một thời gian nếu ngân hàng không liên lạc được với người nhận hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả, bạn nên trình báo công an đề nghị hỗ trợ.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chỉ mở và sử dụng tài khoản từ xa bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, nếu không có CCCD gắn chip thì chỉ có thể thực hiện mở thẻ tại quầy.
Cụ thể, ngày 15/5, Thủ tướng kí Nghị định 52 thay thế 101. Dưới Nghị định này, NHNN đang triển khai nhiều thông tư hướng dẫn kịp cho nghị định này. Trong đó, có thông tư về thẻ có nhiều điểm mới, ví dụ lo ngại câu chuyện về eKYC (phương pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) thẻ.
"Chúng ta không ngăn cấm ai. Tuy nhiên, có thẻ CCCD gắn chip, ngân hàng xác thực được thì được mở thẻ eKYC, còn nếu không ra quầy giao dịch. Giống như chúng ta đi lên cao tốc,nếu có thẻ thu phí không dừng thì được đi vào làn không dừng.
Nếu thanh toán tiền mặt thì phải chịu chậm hơn một chút. Trên thực tế, Bộ Công an công bố là hầu hết công dân đủ điều kiện đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip rồi nên không có lý do gì ngân hàng không bổ sung quy định này", Phó Thống đốc nói thêm.
Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5 để hoàn tất việc này trong năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]